Tuesday, June 2, 2009

Thân phận trí thức: Chương Bốn - CHUYỂN HÌNH KỲ-(Vũ Tài Lục)

Thân phận trí thức: Chương Bốn - CHUYỂN HÌNH KỲ
(Vũ Tài Lục)

Sự cường thịnh phồn vinh của
quốc gia không phải chỉ đạt tới
bằng quân hùng tướng mạnh,
sự suy lạc của quốc gia không
phải là suy lạc của vũ lực.
Nguyên nhân tạo ra hưng suy
có nhiều mặt, văn hóa, chính
trị, kinh tế, quân sự kết tụ
với nhau như dây xích, một
mắt xích lơi lỏng là khiến tất
cả rã rời

Chuyển hình kỳ là gì?
Lịch sử có những chuyển hình kỳ. Thế giới đầu thế kỷ 19 là một chuyển hình kỳ. Do công nghiệp phát triển ở Âu Châu ảnh hưởng đến đông phương làm cho lịch sử đông phương chuyển theo tạo thành chuyển hình kỳ. Nước ta cuối đời Tự Đức quốc thế chuyển suy là một chuyển hình kỳ. Pháp lên thống trị là một chuyển hình kỳ. Tháng tám 1945 là một chuyển hình kỳ. Tháng sáu 1954 đất nước phân chia là một chuyển hình kỳ v.v... Lịch sử chuyển hình dẫn các mặt sinh hoạt khác chuyển hình. Quan hệ phần tử trí thức với lịch sử rất hệ trọng, chuyển hình kỳ của trí thức phần tử mang nhiều quyết định cho vận mạng lịch sử. Chính bởi lẽ đó nên giáo sư Fichte mới nói: Cuộc cải tạo nước Đức, là Luther (la réforme allemande, c est Luther).

Sinh mệnh lực của quốc gia là phần tử trí thức, nói thế không có nghĩa là đặt vấn đề tâm vật. Vấn đề ấy ngày nay đã quá lỗi thời rồi. Bây giờ không còn phải là lúc đưa ra hai thái cực một là tư tưởng Tự Do, bình đẳng, hai là sưu cao thuế nặng bóc lột để giải thích cho cách mạng Pháp theo hai chiều nữa, cũng như không ai còn cãi vã vô ích để biết gasoline hay tia lửa làm cho ô tô chạy. Và tất cả đã đồng ý nếu không có cả gasoline và tia lửa thì chẳng ô tô nào chạy cả, cũng như không có tư tưởng và sinh hoạt thực tế thì cũng chẳng làm gì có lịch sử. Vả lại ở trên đã nói, nay xin nhắc lại, trong chính trị, trí thứcc chỉ có giá trị khi nào nó có thể biến thành quyền lực vật chất. Giá trị của phần tử trí thức trong chính trị cũng chỉ được thừa nhận qua tiêu chuẩn này.
oOo

Louis Bodin viết : Tri thức sinh xuất bởi Đại học. Các trường đại học là nguồn gốc phân phát cho tinh thần nhân loại một mô thức giáo huấn, truyền đạt và bầy tỏ. Nếu chỉ dùng đại học như Bodin thì quá hạn chế, vậy phải nói thay bằng phần lử trí thức được sản xuất từ các nơi giảng học. Một tủ sách cũng có thể là nơi giảng học nếu người đọc sách thấu hiểu và tự giảng cho mình. Một tiểu tổ nghiên cứu cũng là một nơi giảng học. Tuy nhiên khi ngành ấn loát chưa phát triển, khi những phương tiện học tập và truyền bá còn quá thiếu, thì vai trò đại học (université) quả là rất hệ trọng.

Thời kỳ Trung cổ Tây phương, những trường dòng và trường đạo nắm độc quyền mọi nghiên cứu, tư tưởng mới được viết tay chừng vài chục cuốn được đóng kỹ lưỡng và chừng vài trăm người được quyền tham khảo.

Thời kỳ này được gọi là thời kỳ quan học và tăng học. Giai cấp giáo sĩ, giai cấp quý tộc thống trị nắm trọn quyền học vấn.

Khỏang giữa thế kỷ 13 các trường đại học Âu châu gặp gỡ nhau và trao cho nhau những tư tưởng mới lạ. Xung đột giữa trí thức già trẻ gây thành phong trào phản y qui (anticonformisme) hay phản truyền thống (antitraditionalisme). Phái trẻ nổi lên chế riễu xã hội tôn giáo, ca tụng phong tục tự do. Người ta đọc thấy tư tưởng này trong những thi phẩm của Rutebeuf hay tiểu thuyết Roman de la Rose của Jean de Meung(Meun?)

Thế kỷ thứ 14 và 15, có sự biến chuyển lớn của phần tử trí thức. Khắp Âu châu ngòai văn hóa đại học còn phát triển văn hóa đại chúng. Ở cấp đại học, chủ nghĩa tự nhiên (naturalisme) lan tràn mạnh, tất cả khao khát tìm tòi mới mẻ và tất cả ngờ vực những uy quyền bí hiểm của thần thánh.

Kỹ thuật ấn lóat phát minh làm đảo lộn sinh họat văn hóa. Sách thay thế cho bản viết tay làm cho số người đọc tăng mau. Người trước tác không phải sống bám các thế lực quyền quý nữa. Họ có thể độc lập sáng tác, trí thức phần tử có thể sống bằng nghề sáng tạo hay truyền bá tư tưởng.

Thời kỳ này lịch sử mệnh danh là thời kỳ Phục hưng về mặt tôn giáo còn gọi là thời kỳ cải tạo (Réforme). Rabelais, Montaigne, Ronsard, Luther, Calvin là những ngôi sao sáng lúc ấy.

Âm mưu chính trị của Richelieu trong việc thành lập Hàn lâm viện là muốn công chức hóa trí thức phần tử, cho trí thức một ngôi cao để biến họ thành công cụ chính quyền. Nhưng phần tử trí thức mỗi ngày mỗi đông và nhu cầu khai sáng mỗi lúc càng mạnh. Hiểu biết lan đến đâu, dân chúng đòi giải phóng đến đó. Diderot viết bài về con người (Homme) trong cuốn Bách khoa, treo lá cờ tuyên chiến đầu tiên với thần quyền, vũ trụ không ở tay thượng đế mà ở trong tay con người. Nhà triết học Kant đưa ra khẩu hiệu Sapere aude (Hãy bạo dạn phê phán).

Thế kỷ 18, chủ nghĩa Voltairisme, tư tưởng Rousseau ngự trị, các nguồn học vấn đều đổ về xây dựng chủ nghĩa nhân văn. Cho đến nay chủ nghĩa nhân văn ấy đã trải qua những thời kỳ lãng mạn, phóng nhiệm, tự nhiên, xã hội. Hết thẩy các chủ nghĩa trên đều đắm mình trong không khí tái tạo nhân loại bằng chính con người (La regéneration de l homme par l homme).

Chuyển hình kỳ của phần tử trí thức Trung Quốc

Hãy bắt đầu lịch sử vận động của phần tử trí thức Trung Quốc bắt đầu từ thời đại Xuân Thu và Chiến Quốc bởi lẽ giai cấp sĩ chỉ thực sự thành hình và học vấn thực sự phổ cập vào thời đại này, bởi lẽ kể từ nhà Chu thiên sang Đông, Trung Quốc đã trải qua một đại biến hóa trên chính trị, văn hóa, kinh tế.

Chiến tranh và thương nghiệp kinh tế là những lực lượng hữu hình đẩy cho băng hoại xã hội phong kiến. Đồng thời hai lực lượng ấy lại sản sinh ra lực lượng vô hình văn hóa mới. Khi lực lượng vô hình này biểu lộ tức là sự xuất hiện giai cấp sĩ và sự phổ cập của học vấn. Từ Tây Chu đến Xuân Thu, chính trị hoàn toàn là công việc riêng của quý tộc, công việc của các vương công đại nhân, cha truyền con nối kế tiếp nhau cai quản. Nhưng từ Xuân Thu đến Chiến quốc thì chính trị luôn luôn xảy ra các vụ dưới đoạt trên. Ban đầu chư hầu không nhận vương thất, rồi đại phu không nhận chư hầu, rồi gia thân (thần?) không thừa nhận đại phu. Tôn pháp mất dần uy quyền. Hơi một chút là đòi đánh nhau. Muốn tranh thắng phải nhiều vũ sĩ cho nên mới có câu "đắc sĩ giả sương thất sĩ giả vong". Sĩ như vậy khởi sơ vốn là con nhà võ. Tuy nhiên vũ lực không phải là vạn năng, vũ lực phải được lãnh đạo bởi học thuật, đâu đâu cũng khát vọng chân tài học vấn. Quý tộc không đủ cống hiến loại nhân tài học vấn đó, đương nhiên muốn giang sơn tồn tại tất phải phá luật lệ về việc dùng người nghĩa là không hạn chế trong phạm vi quý tộc nữa. Bách lý Hề, Tôn Thúc Ngao, Quản Trọng thẩy đều xuất thân từ đám bình dân.

Do phỉnh nịnh của ngôi vị, quý tộc bỏ học vấn cho bình dân thừa kế. Do thối nát của quyền thế, quý tộc sa đọa thất đức, lễ nghĩa phép tắc tàn rụi, bình dân phải đứng lên tiếp nối sinh mạng quốc gia bằng nền tảng đạo đức mới để cứu đời. Liệt quốc cạnh tranh nên bình dân thông qua trí thức mà tham dự chính trị, cướp chính trị từ tay quý tộc, từ nay chính trị hết còn là việc của các vương công đại nhân.

Tần thống nhất, đốt sách chôn nho.

Đời sau chỉ biết việc Tần Thủy Hoàng tiêu diệt trí thức nhưng không biết trước đấy hai mươi năm nước Tần là trung tâm hoạt động của phần tử trí thức mà chính nhờ trung tâm đó Tần mới mạnh để tiêu diệt lục quốc thống nhất sơn hà.

Lý do hai mươi năm sau Tần Thủy Hoàng hạ lệnh đốt sách chôn nho là phần tử trí thức chủ trương một nước dân chủ đại đồng, chính quyền không chịu nhất định dùng vũ lực khống chế tư tưởng. Biện pháp dùng vũ lực phân chia phần tử trí thức ra làm hai giới tuyến và xóa bỏ thái độ khoan hòa hào hiệp khinh thị chức quyền của thời kỳ chiến quốc xa xưa. Giờ đây chỉ còn lại kẻ a dua xu phụ bạo chính với người chống đối bạo chính. Phe chống đối phần đông là những phần tử lý tưởng tiếc nuối thời oanh liệt "đi dép cỏ đội nón lá nghênh ngang vào gặp chư hầu". Phe xu phụ toàn thị những người chủ trương đặt lại trật tự kỷ cương cho thời thế mới. Phe chống đối chê phe xu phụ là tự tiêu diệt cái chí khí của phần tử trí thức để đánh bóng cái uy phong của đế vương, đã đi vào âm mưu "dùng sĩ chế sĩ" của bạo quyền. Phe xu phụ chê phe chống đối là khuấy loạn và vô dụng không biết đến nhu yếu mới của thời thế. Trong khi đó thì Tần Thủy Hoàng cùng dòng họ ông lại nghĩ khác, ông cho rằng chỉ cần lấy uy, lợi danh mà câu nhử là có thể muốn làm cái gì cũng xong. Vì nghĩ thế nên Tần Thủy Hoàng càng ngày càng bạo ngược, ông giết luôn cả những phần tử trí thức theo ông thành lập trật tự mới, theo ông vì muốn thực hiện một chính sách. Phần tử trí thức nhất loạt phản kháng, họ bỏ về các nơi thôn dã, rừng sâu tụ tập, giảng dậy rồi vũ trang đấu tranh. Kết quả Tần triều sụp đổ. Lưu Bang tranh thiên hạ thắng Hạng Võ lập nên nhà Hán.

Phần tử trí thức thời Tây Hán.

Học giả đời Tây Hán, trên truyền thống tinh thần không mấy khác Chiến Quốc, nhưng vì hình thế xã hội thay đổi nên ảnh hưởng tới tính cách và ý thú phần tử trí thức rất lớn. Chiến quốc là lúc liệt quốc phân tranh, phần tử trí thức tham gia chính trị không phải chịu sự trói buộc của một pháp chế nhất định nào. Đi dép cỏ đội nón lá gặp vương hầu thuyết phục xong là nắm tướng ấn. Lúc ấy chẳng cứ quốc vương trọng hiền lễ sĩ, ngay các đại gia quý tộc nghe danh cũng ngưỡng mộ. Kẻ sĩ thời Chiến Quốc được ưu đãi khi tác khách ở nhà các vương công đại nhân, họ mặc áo đẹp, đi xe tốt đeo bảo kiếm nhàn du. Bởi thế phần tử trí thức Chiến Quốc trên sinh hoạt thật là phóng túng, lãng mạn khoáng đạt không bị câu thúc, sáng Tần tối Sở tung hoành.

Chính phủ đại nhất thống của Tần của Hán thành lập, phong kiến quý tộc lần lần bị tiêu diệt. Muốn nhảy vào chính trị, phần tử trí thức chỉ còn một con đường duy nhất là ra làm quan mà con đường này lại có pháp định và thuận tự chặt chẽ không ai có thể phút chốc vi phạm. Bây giờ kể từ tấm bé vác sách đi học, lớn lên từ Huyện học thăng tới quốc lập đại học. Tốt nghiệp quay về quê hương bản quán vùi đầu làm việc với địa vị tiểu chức của hành chính địa phương. Lập thành tích rồi mới được đề bạt lên dần. Với thời gian đằng đẵng ấy nên xuất thân của học giả Tây Hán đa số là nông dân thuần phác. Do đó phong khí chính trị Tây Hán là phong khí đôn đốc, ẩn trọng khiêm thoái bình thực. Do phong khí ấy tâm lý tự hào "nhân nhân khả dĩ vi thánh nhân" của Chiến Quốc cũng tan mất. Chỉ có Khổng Tử mới đáng là thánh mà thôi, Khổng Tử lập tức được thần thánh hóa và được suy tôn làm giáo chủ. Bên cạnh chính thống nay đã có thêm đạo thống, việc nhất thống thêm một vũ khí mới. Hào khí Chiến Quốc có một lần chỗi dậy, vào giữa đời Hán, uy tín hoàng thất suy lạc, phần tử trí thức ủng hộ Vương Mãng buộc Hán triều nhường ngôi. Vương Mãng là một học giả danh tiếng đương thời. Nhưng Vương Mãng thất bại vì không được thế lực thương nhân ủng hộ, lại không giải quyết nỗi khó khăn trên nông nghiệp. Sau vụ Vương Mãng, phần tử trí thức bị nghi kỵ rơi vào cảnh u tối kìm kẹp.

Đông Hán.

Vua Quang Vũ xây dựng lại cơ đồ nhà Hán gọi là Đông Hán. Cũng như Vương Mãng, Quang Vũ xuất thân từ Thái học sinh. Gốc gác vị vua mới làm phấn khởi phần tử trí thức, họ đã không thất vọng với lòng mong mỏi, Quang Vũ ngay khi nắm chính quyền liền chấn chỉnh học phong của thời Hán còn thịnh. Khắp nơi giảng đường được mở ra, một ông thầy tụ tập từ 500 đến 1000 học trò là chuyện rất thường. Thái học sinh cuối đời Đông Hán lên tới số 30.000 môn đệ. Nhưng phần tử trí thức Đông Hán lại mang sắc thái khác hẳn "cao thượng bất sĩ " (làm cao sĩ mà không làm quan). Lý do : Bản thân Thái học sinh đã thành một xã hội lớn luôn luôn ở bên cạnh chính phủ trung ương, thế lực rất mạnh. Người đến học đa số vào tuổi trung niên, con những thương gia giàu có, họ không cần tốt nghiệp sớm để mưu xuất lộ. Họ ở trường Thái học sinh cả mười năm ngao du dùng trường làm nơi phát biểu ý kiến rồi từ đấy tỏa ra lãnh đạo dư luận toàn quốc, ảnh hưởng đến chính trị. Giá trị Thái học sinh càng lên cao, thì phần tử trí thức Thái học càng đem học vấn vào hoa mỹ, đến nỗi họ biến hẳn Thái học thành ra điểm tập trung của hân thưởng cao cấp. Học phong Đông Hán chuyển từ ý thức tôn giáo (Khổng Tử làm giáo chủ) sang thú vị nghệ thuật. Mỗi sinh hoạt tư nhân đều là một nghệ thuật phẩm. Phần tử trí thức Đông Hán mang hình hài mới: thư sinh quý tộc không giống vẻ kiếm bạt nỗ trương của chiến quốc cũng chẳng còn dáng thuần phác của Tây Hán. Họ trọng danh vọng xã hội hơn tước vị chánh phủ, trọng bằng hữu hơn quân thần. Toàn bộ sinh hoạt của họ là một mỹ thuật phẩm cho nên họ không chịu được gian khổ chiến đấu, khiến cho chính trị dễ và chóng hủy hoại. Khi xung đột xã hội bùng nổ khắp nơi thì Đông Hán là thời kỳ có nhiều danh sĩ tuẫn tiết nhất. Với thử thách của loạn ly bạo tàn, sang đời Tam quốc thư sinh quí tộc đã lột xác thành ra hào kiệt, Tam quốc với cục thế chính trị gay go có thể gọi là một tiểu Xuân Thu; Tào Tháo, Gia Cát Lượng, Lỗ Túc, Chu Du, Bàng Thống, Tư Mã Đức Tháo v.v... đều là những thư sinh trong cơn loạn lạc nhẩy lên vũ đài chính trị. Cho nên tuy ở các địa vị thừa tướng, nguyên soái, đại sứ ngoại giao mà không mất phong cách nho nhã phong lưu.

Bắc triều thời đại.

Tiền Mục viết :
Bắc triều ở hoàn cảnh khó khăn vì muốn bảo toàn môn đệ nên một mặt phải tiếp cận với hạ tầng dân chúng để khoáng đại lực lượng, một mặt trên chính trị phải nỗ lực phấn đấu để tranh thủ an toàn. Còn phương Nam hoàn cảnh tương đối dễ dàng hơn nên môn đệ chỉ việc giữ chặt lấy tính bảo thủ. Tiến thủ ở phương Bắc cũng như bảo thủ ở phương Nam tuy tính chất trái ngược nhưng cùng một kết quả là duy hộ được di sản truyến thống nhân văn của lịch sử trong cơn đại loạn.

Từ thời Chiến quốc các học giả đối với lý tưởng nhân văn đã chia ra làm hai dòng. Nho mặc thiên về thượng khuynh tính, Trang Lão thiên về hạ khuynh tính. Trang Lão phái chủ trương "quy chân phản phác" muốn lôi kéo phần tử trí thức kết tập tại thành thị về nông thôn, muốn lôi cuốn trào lưu lịch sử quay lại chất phác thời cổ. Chủ trương của Trang Lão ăn rễ sâu vào tư tưởng thời Tây Hán, cho nên phần tử trí thức Tây Hán tuy ngoài mặt nho gia hóa mà nội tâm rất nhiều ý vị đạo gia. Đông Hán là chuyển lệ điểm gây ra những phản ứng khác nhau của hai hệ tư tưởng Nho Mặc và Lão Trang. Tuy thiên hướng hạ khuynh tính nhưng tiết tháo phong độ của phần tử trí thức lại trở thành cá nhân chủ nghĩa chứ không chú tâm vào quần chúng lớn nữa. Sĩ Đại phu đời Tam Quốc trọng bằng hữu hơn quần(quân?) thần, họ chia ba đi theo Tào Tháo, Tôn Quyền, Lưu Bị không vì danh phận vua tôi mà vì tình bằng hữu. Khổng Minh cúc cung tận tụy với Lưu Bị chẳng phải vì quan điểm chính trị phò Hán mà chính là vì ba lần đến gian nhà cỏ của Lưu Bị. Giả thử không có tam cố thảo lư chắc Khổng Minh sẽ mãi mãi ngày xuân đẫy giấc trong am cỏ cầu toàn tính mệnh trước đời loạn, chẳng màng danh tiếng với thiên hạ, đó thực là thái độ của một đạo gia, không phải là thái độ của một nho gia. Đời Tam Quốc trí thức vẫn mang tâm chất của Tây Hán và Đông Hán, Nho là mặt Đạo là lòng. Sang Lưỡng Tấn (tức Nam Bắc Triều) tư thái ấy càng rõ rệt hơn. Từ chủ nghĩa cá nhân mở cửa thì bè bạn đóng cửa thì gia tộc, tư tưởng đạo gia đời Tây Hán còn trương cờ Hoàng Lão nghĩa là còn nhiều chính trị tính, đến Ngụy Tấn thì hoàn toàn đi vào con đường cá nhân Trang Lão. Cá nhân chủ nghĩa không quay về ý hướng thái cổ thuần phác mà chỉ lẩn tránh để truy cầu cho sự viên mãn cá nhân, bên ngoài nghệ thuật chẳng còn gì khác nữa.

Trái lại, tuy thiên hướng thượng khuynh tính nhưng Nho Mặc vốn say mê với chính trị nên lúc này không thể không lăn vào đại chúng phất cờ chiến đấu. Nho Mặc chống lại quan niệm nghệ thuật hóa nhân sinh đang bành trường, mảnh trăng treo khó lòng đẹp trước sóng bể gào thét, bông hoa xinh khó lòng chăm bón giữa bụi gai cũng như sự an lạc gia đình khó có thể tồn tại trong cơn loạn lạc. Hoàn cảnh phương Bắc không có đất cho nghệ thuật nhân sinh, chỉ có đất cho chính trị nhân sinh. Bởi vậy đạo Trang lão mới di chuyển về phương Nam, còn phương Bắc quay về với Khổng Tử, thu tập lực lượng tranh thủ chính trị, dựa vào chính trị tranh thủ xã hội. Tâm tư họ hết chỗ cho cá nhân cho gia đình trừ phi xã hội đã tái tạo một chánh phủ hợp lý. Giữa lúc ấy thì Phật giáo du nhập Trung Quốc, dù không hẹn nhưng phần tử trí thức cả Nam lẫn Bắc đều cùng nhau nhìn nhận tôn giáo mới. Chủ nghĩa cá nhân hy vọng ở tôn giáo siêu thế một phương tiện để trốn hiện thực, ký thác tinh thần. Tập đoàn chủ nghĩa thì hy vọng tôn giáo làm chất keo khôi chục lực lượng Phương Nam tiếp thụ Phật giáo bằng tinh thần bi khổ (thiếu dòng?) Tuy vậy Phật giáo đi vào Trung Quốc vẫn không khỏi đi vào cái thế thượng khuynh thắng hạ khuynh. Phật giáo nhanh chóng phát triển và cũng mau chóng bị trí thức hóa, lý luận hoá, triết học hóa, cho nên Tiểu thừa không đắc thế còn đại thừa như sóng dâng. Phật giáo ở đây đã không trực tiếp reo mầm giống nơi hạ tầng dân chúng rồi dần qua tay phần tử trí thức phật giáo hoàn toàn Trung Quốc hóa. Do là một công hiến của trí thức phần tử Trung Quốc cho văn hóa nước này.

Tùy Đuờng thời đại.

Đời Tùy đời Đường phần tử trí thức ngoài môn đệ ra còn có cao tăng ở tự miếu. Hán và Đường trên chính trị đều là thời đại tốt đẹp của thống nhất, nhưng khí phách và ý cảnh của phần tử trí thức đời Đường khác hẳn đời Tây Hán. Phần tử trí thức Tây Hán đa số xuất thân nông thôn còn môn đệ Đường thường mang khí phận quý tộc, gốc gác gia tộc cha truyền con nối kể tới sáu bẩy chục một trăm năm, nhà nào gia sử cũng ghi lắm thời kỳ vàng son. Thêm nữa địa vị của họ do tích lũy lâu đời bành trướng thế lực mà có, không phải dựa vào đặc quyền do chính phủ ban phát cho. Bởi vậy họ tự cao ngạo vô cùng. Nhà họ Lý vốn cũng chỉ là một môn phiệt khởi nghiệp xây dựng nhà Đường tất nhiên không có cái thế của Lưu Bang từ bình dân quật khởi làm hoàng đế cho nên đối với môn phiệt Đường triều chỉ có thể dùng thủ đoạn điều chỉnh chứ không thể dùng quyền lực chấn áp. Ngược lại các môn đệ cũng vì địa vị mình lăn lưng ủng hộ chính phủ, thiên hạ thái bình thì môn đệ mới mong hưởng thú vui an thái. Dưới nguyên tắc cầu hiền cộng trị, chính quyền và trí thức cùng nhau kiến thiết chính trị làm cho Đường thịnh trị thi hành được nhiều chính sách lớn. Nhờ thái độ tích cực đối với chính trị nên phần tử trí thức đời Đường rất đa năng, đa tài. Những kế hoạch to tát, những nghị luận khôi vĩ nẩy sinh mọi nơi. Đời sau mới có câu: Hán nhân hậu Đường nhân đại là thế. Phần tử trí thức đời Đường không chỉ có những cống hiến lớn lao trên chính trị mà còn trên văn hóa và tôn giáo nữa. Các môn đệ theo Phật giáo đã hoàn tất ba phái:

Thiên đài

Thiền

Hoa Nghiêm

Họ đã dùng truyền thống văn hóa bản quốc chế biến Phật giáo thành tôn giáo mới. Họ đã điều chế được tâm lý say mê của tôn giáo với cái sáng suốt của lý trí. Câu nói "Nếu tôi gặp Như lai tôi sẽ cho một búa chết tốt rồi vứt xác cho chó ăn" của Lục tổ Huệ Năng thật đáng tiêu biểu cho sự can đảm và sáng suốt của lý trí.

Từ giữa đến cuối đời Đường ngoài môn đệ và thiền tự có thêm một lực lượng trí thức khác là các tấn sĩ đắc thế. Đây là kết quả của chế độ khảo thí, chính quyền khai phóng tấn sĩ thông qua khảo thí gia nhập chính trị thì môn đệ thế lực cũng dần dần thoái nhượng. Trí thức tấn sĩ không xuất thân môn đệ nên rất non kém với vấn đề chính quyền, thêm nữa chế độ khảo thí đương thời thuần chú trọng đến thi phú phù hoa càng khiến cho thế lực trí thức mới lúng túng trước chính trị. Chế độ khảo thí bày đặt nhiều thủ tục khắt khe như trình lý lịch, tra khám thân phận, chờ nghe điểm danh, vác lều chiếu ống quyển, chuẩn bị dầu đèn thực phẩm v.v... đã làm cho lòng tự tôn thương tổn. Thi không đỗ thì chịu thiệt thòi về những lúc nha môn khinh miệt mắng nhiếc. Một sớm bảng vàng có tên thì bước đường phú quý trải ra trước mặt, muốn chóng muốn vững tất phải bôn tẩu luồn lọt. Để trả thù những phút khổ sở ấy nên vừa hiển đạt là lập tức mở yến tiệc gọi đĩ xướng ca, ăn chơi thỏa thích cho bõ lúc sớm hôm đèn sách sáng tối chầu chực. Người đắc thế thì vậy, người yếu thế thì tỏ thái độ khinh bạc cưỡi lừa qua cầu dưới mưa rơi tuyết lạnh tìm vần thơ. Phần tử trí thức cuối đời Đường tiến mãi vào cái hố trụy lạc.

Đời Tống.

Bắc Tống khai thủy, môn đệ không còn, cao tăng cũng hết, nhân tài cạn hiếm. Đa số theo học các thiền tự, quay về đời tục. Tấn sĩ khinh bạc không đảm đương nổi đại sự thiên hạ. Trong tình hình này, phải đợi phần tử trí thức mới nổi dậy, sự nổi dậy đó lịch sử mệnh danh là trí thức đời Bắc Tống.

Trí thức Bắc Tống mang tinh thần tôn giáo Thiền chính thức chuyển đi vào xã hội hiện thực, đem quan niệm thanh tĩnh tịch diệt, cứu cánh Niết bàn chính thức chuyển biến thành lý tưởng nhân văn truyền thống tu thân, trị quốc, bình thiên hạ.

Việc thứ hai là cổ xúy giáo dục tự do thay thế cho chế độ giáo dục môn đệ, một mặt đốc thúc chính phủ xây dựng học hiệu công lập, mặt khác hô hào tư nhân giảng học, đồng thời thành lập thư viện, tạo thành vận động giáo dục vĩ đại.

Phần tử trí thức đã gặp nhiều khó khăn vì giáo dục tự do tức là không chịu sự khiển chế của chính quyền, không chịu quan liêu hóa nên chính quyền quý tộc đều không ưa. Thoát hóa tôn giáo khiến cho lực lượng tăng lữ tự miếu ghét bỏ. Tống nho tám hướng thụ địch, nhưng nhờ tinh thần lo trước cái lo của thiên hạ và vui sau cái vui của thiên hạ, nên họ đã vượt nhiều trở ngại mà tạo được sinh mệnh mới phong khí mới. Nhưng thắng lợi huy hoàng chẳng được bao lâu vì Tống Nho đi quá trớn, đặt danh giáo cao hơn quan tước triều đình, họ yêu cầu cả Hoàng Đế cũng phải học đạo tu đức, phải cúi đầu tôn sư trọng đạo. Họ không thuần phác như Tây Hán, không thanh cao như Đông Hán, không khoát đạt như đời Đường, Tống Nho quá nghiêm túc đến độ ngoan cố. Ở thái độ ngoan cố họ thành ra bất cận nhân tình, phân ly chính trị nên trước sức tấn công ào ạt như cuồng phong của Mông Cổ, phần tử trí thức Bắc Tống thu rút lại chỉ còn là bọn khua môi múa mép thanh đàm cao luận.

Dưới thống trị Mông Cổ, nho sinh bị coi ngang loại "ăn mày" kém hòa thượng một bậc. Nhà nho tìm mọi cách mai danh ẩn tích không trực tiếp nhúng vào chính trị cho nên mất hết tất cả mọi địa vị lãnh đạo. Họ chuyên chú vào việc sáng tạo văn học, do đó Nguyên đại có nhiều tác phẩm về kịch từ, thơ, họa, y khoa, toán số, cơ giới rất quý báu. Họ cũng mai danh ẩn tích để xoay vào thương mại tiểu công nghệ và đã gây nhiều thành quả tốt đẹp.

Đời Minh.

Chính quyền Mông Cổ băng hoại, cách mạng dân tộc bùng lên kêu gọi nhân dân Trung Quốc hướng về thời oanh liệt Hán Đường xưa.

Lý học gia đời Minh cũng cùng một cách điệu với Tống, nhưng lại khác Tống ở điểm xa cách giữa giàu với nghèo, gia đình thư sinh đời Minh so với đời Tống giàu có hơn nhiều, tại Giang Nam có nhà đầy tớ người hầu dư cả trăm. Chế độ khoa cử cũng khác xưa, một khi trúng tấn sĩ là thành quan to ngay không phải giữ tiểu chức nữa, vì vậy phần tử trí thức đời Minh có khí độ hào kiệt. Các trường do phái Vương Đường (Dương?) Minh và Long Khê được hoan nghênh nhiệt liệt, giảng đài thường đông nghẹt người nghe. Người đến nghe giảng có hai lớp, lớp học thức và lớp bình dân. Lớp bình dân gồm nam phụ lão ấu, phu khuân vác và mã phu, thương cố cứ đúng kỳ hội tập. Học vấn đời Minh không đi theo thượng khuynh tính để giảng dậy trị quốc bình thiên hạ mà đi theo hạ khuynh tính vào lộ tuyến xã hội tìm đến chính tâm thành ý. Học thuyết lương tri của Vương đường Minh do những buổi diễn giảng đã thành ra một thứ triết học đại chúng, đại chúng cũng nhờ thế mà mở mang kiến thức rất nhiều.

Huy hoàng được một thời gian thì phát lộ ra nhược điểm: đại chúng thấm nhuần học vấn nhưng thượng tầng bỏ ngơ. Để bổ khuyết phái Thiền Tông chỗi dậy phất cờ vặn (văn?) học, bỏ giáo dục xã hội thành lập chính diện văn chương, nhưng vì cố lên cao lại nhiều mùi vị tôn giáo nên văn chương đâm ra cuồng quái như kiểu trường phái của Lý Trác Ngô gây nhiều ảnh hưởng phá hoại.

Giữa đời Minh về sau, chế độ khoa cử lâm vào cái bệnh "bát cổ" tức là đường chết của học vấn mở đường cho Mãn Thanh xâm lăng.

Đời Thanh.

Xu thế học phong đời Thanh tập trung vào phái bác học, các học giả chú ý khai phá cổ học để tìm thực học nhưng lại bỏ quên sinh hoạt hiện thực trước mắt. Chính quyền Thanh triều luôn luôn dòm dỏ áp bức khiến cho tinh thần giảng học khó phục hưng. Nội tâm phần tử trí thức nung nấu chí khí phản chính phủ, nhưng họ đã đi tìm học vấn qua một phương pháp không chính xác là đào bới quá khứ lịch sử để chẩn bệnh hiện tại mong phát hiện phương thuốc chờ thời hưng vương phục quốc. Khốn nỗi điều họ chờ lại xuất hiện quá chậm trễ khiến cho hy vọng mỗi lúc thêm ảm đạm mơ hồ. Quay về nghiên cứu kinh điển cũ, tìm hiểu cái hay cái đẹp của người xưa mà sao lãng cái thực tế trước mắt là quay về chồng sách mọt để làm con mọt sách. Bệnh nặng nhất của phần tử trí thức đời Thanh là: coi nhẹ chính trị tính, xã hội tính, lịch sử tính để chui vào cái cũi "thuần học" vị học thuật nhi học thuật. Họ không cao vọng làm thầy lãnh đạo tướng chỉ huy, họ không tha thiết với nhân quần tập thể, họ không chú ý đến sinh hoạt hiện thực, bao nhiêu hứng thú họ đem đổ dồn vào mấy quyển cổ thư. Trái hẳn với Hán nho đem thánh nhân thần hóa, Thanh nhân đem thánh nhân thư bản hóa. Vùi đầu vào cổ thư để kiếm (kiểm?) thảo là phản ứng tiêu cực của phần tử trí thức thống hận Thanh triều cướp nước, thái độ tiêu cực này không phải là thái độ chính thường của nho gia vì nho gia đối với chính trị bao giờ cũng tích cực. Trên chính trị thì nước mất, trên văn hóa thì bị cắt đoạn không tiếp nối vươn lên, đó là lỗi lầm to tát của phần tử trí thức vậy.

(Những kỳ chuyển hình của phần tử trí thức T.Q. ở chương này viết dựa theo ý kiến của các học giả Tiền Mục, Mạnh Vũ, Hồ Thu Nguyên.)
Hết: Chương Bốn - CHUYỂN HÌNH KỲ

No comments:

Post a Comment