Tuesday, June 2, 2009

Vũ Tài Lục-Thủ Đoạn Chính Trị

Thủ Đoạn Chính Trị

» Tác giả: Vũ Tài Lục


1. Tập 1

Huyền thoại Trương Lương


Cách đây hai ngàn một trăm tám mươi năm, vua nhà Tần là Doanh Chính thống nhất Trung Quốc, tự hiệu là Tần Thủy Hoàng, ngụ ý muốn bảo cho người đời hay rằng giòng họ nhà ông sẽ đời đời cai trị Trung Quốc. Nhưng chưa trọn mười lăm năm và truyền nhau chưa hết hai đời thì nhà Tần đã bị lật đổ. Huyền thoại Trương Lương ra đời trong khung cảnh lịch sử này.
Trương Lương là con cháu dòng dõi của nước Hàn (một trong sáu nước bị nhà Tần thôn tính). Cha ông của Trương Lương đã năm đời làm Tể tướng nước Hàn. Khi Hàn bị Tần diệt, Trương Lương liền đem hết sản nghiệp của mình đi tìm một thích khách để ám sát Tần Vương. Đến nước Triều Tiên làm Lương hải Quân, Trương Lương gặp một dũng sĩ với sức muôn người không địch, có thể múa đôi chùy nặng chừng năm trăm cân nhẹ như người thường cầm hai chiếc quạt.
Trương Lương cùng người dũng sĩ liền về Bác Lãng Sa, đón Tần Thủy Hoàng đi săn ở đây mà giết. Kết quả quả chùy ngàn cân đã đập nát chiếc xe giá không có Tần Thủy Hoàng ngồi trong. Chết hụt, Tần Thủy Hoàng ra lệnh tầm nã Trương Lương. Khắp nơi mật vụ bủa lưới. Việc làm kinh thiên động địa kia khiến cho nhân dân khắp nơi tán tụng. Trương Lương còn trẻ lại làm việc động trời nên chỉ trong ít ngày Trương Lương đã trở thành một vị thiếu niên anh hùng, người của thần thoại trong đầu óc nhân dân.
Nhưng trước mắt nhà chính trị, trước mắt những con người lão luyện giang hồ thì công việc ném chùy ở Bác Lãng Sa của Trương Lương chẳng qua chỉ là một hành vi vung kiếm vươn người lên mà quyết đấu của kẻ thất phu, chỉ là một thứ anh hùng chủ nghĩa cá nhân thoát ly quần chúng không có tổ chức. Với hành vi đó thật khó lòng mà lật đổ cả một bộ máy bạo ngược của nhà Tần, khó lòng đương nổi với cuộc cách mạng có trăm đầu ngàn mối.
Tuy nhiên, họ cũng nhận là cái phẩm chất thanh niên của Trương Lương thật là đáng quý. Tấm lòng yêu chánh nghĩa nhiệt thành, lương tâm sáng rọi muốn cứu đời, cứu người là những chất liệu nếu đem rèn đúc với sự hiểu biết nữa thì phải thành thứ vũ khí đạp đổ bạo Tần.
Trong số những nhà chính trị lão luyện ấy có một người tên là Hoàng Thạch Công. Hoàng Thạch Công nhận biết mình ở vào cái thế “thế thời bất ngã dữ, lực bất tòng tâm”, khả năng mình chỉ là khả năng ẩn dật một nơi để chỉ đạo cách mạng, nhưng không thể trực tiếp tham gia cách mạng. Khát vọng của Hoàng Thạch Công là tìm được một anh tài trong thiên hạ để mà truyền thụ, để mà giáo dục. Khát vọng ấy cũng chẳng khác gì lúc Trương Lương mong tìm thấy người dũng sĩ.
Lại nói về Trương Lương từ khi có lệnh tầm nã, chàng phải trốn tránh ngày đêm, mai danh ẩn tích, thay tên đổi họ để đi tuốt mãi xuống phía Nam.
Tài lẩn tránh của Trương Lương thần diệu thật, nhưng tài ấy mới chỉ che nổi mắt đám mật vụ và nhất định không thoát nổi con mắt tinh đời của Hoàng Thạch Công. Từ lúc chàng đến Hạ Bì, mỗi lần có việc đi ngang qua chiếc cầu bên con sông nhà ở Hạ Bì, thì nơi đây có một ông lão ngồi câu cá, vuốt chòm râu bạc ngắm con người tài hoa công tử Trương Lương. Ông lão gật gù thiết lập kế hoạch đầu tiên đối với Trương Lương là bẻ gẫy tâm lý kiêu ngạo của chàng, có hết kiêu ngạo mà ân cần học hỏi thì Trương Lương mới trở nên hữu dụng.
Sẩm tối hôm đó, sương chiều mù trời, dưới sông nước cạn chảy trong veo. Trương Lương nét mặt trầm tư tản bộ ngắm cảnh, chàng chợt nhìn thấy ông lão vẫn ngồi câu cá đánh rơi chiếc dép xuống nước. Cũng vừa lúc ông lão cất tiếng gọi: “Này chú nhỏ nhặt cho ta chiếc dép kia”. Nghe tiếng gọi xách mé Trương Lương giận vô cùng nhưng nghĩ lại ông già gân cốt chẳng được là bao nhiêu, hơn nữa sở dĩ ông ta thô lỗ chắc vì kém kiến thức, nên chàng trầm tĩnh bước xuống chân cầu nhặt dép. Đưa dép đến nơi chàng nghe thêm tiếng nữa chói tai: “Xỏ vào chân ta!”
Câu nói vô lễ lần này không làm cho Trương Lương ngạc nhiên nữa mà làm nổi dậy trong lòng chàng tính hiếu kỳ. Chàng ngoan ngoãn vâng lời. Công việc xong ông ta đứng phắt dậy đi thẳng không thèm buông nửa lời cảm tạ.
Mấy ngày sau Trương Lương lại gặp ông lão ngồi câu ở đó, chưa kịp tỏ thái độ gì thì ông lão đã trỏ vào mặt chàng nói: “Này chú, năm ngày nữa, đúng sáng sớm chú đến đây gặp ta”. Y hẹn Trương Lương tới thật sớm, đã thấy ông lão có mặt ở đấy rồi. Vừa thấy mặt chàng ông lão đã quát mắng: “Hẹn với lão sao nhà ngươi đến chậm như vậy?” Nói xong ông quay ngoắt rảo bước và vói lại một câu: “Hẹn năm ngày nữa cũng buổi sớm”.
Ngày hẹn tới Trương Lương dậy từ canh hai để sửa soạn, đến nơi gà vừa gáy tiếng đầu tiên nhưng vẫn không kịp vì ông lão đã có mặt tự bao giờ rồi. Bị mắng thêm lần nữa. Lần thứ ba Trương Lương quyết chí đến sớm hơn bằng cách chàng đến chờ ở nơi hẹn từ chập tối, ông lão mới hài lòng. Ông rút ở trong người ra một cuốn giấy cũ kỹ mà bảo với Trương Lương rằng: “Con hãy về đọc kỹ cuốn sách này, đây là cuốn sách dạy làm thầy vua. Con cần nỗ lực trong mười năm, mười ba năm nữa ta sẽ gặp lại con nơi chân núi Cốc Thành miền Sơn Đông”.
Mười ba năm trôi qua, Trương Lương theo phò Lưu Bang tranh thiên hạ, có việc khẩn phải đi qua núi Cốc Thành, nhớ lời ước hẹn năm nào, Trương Lương có ý trông đợi ông lão, nhưng đợi đã nhiều ngày chẳng thấy ông lão đâu, chỉ thấy tảng đá vàng hình thù rất đẹp, Trương Lương chở tảng đá đem về lập miếu thờ.
Mở chính sử Trung Quốc ra coi thì cái tên Hoàng Thạch Công không hề thấy ghi chép trong bất cứ cuốn sách nào. Ông xuất thân thế nào, tên thật và quê quán đều vắng lặng. Hoàng Thạch Công hoàn toàn là một huyền thoại, Hoàng Thạch Công chính là bản thân lịch sử hiển hiện thành người dã sử để tô điểm thêm cho cái tài an bang tế thế tột bậc của Trương Lương.
Cuộc đời và sự nghiệp của Trương phải có Hoàng Thạch Công thì mới thành tựu được. Mười ba năm sau vụ ám sát Tần Thủy Hoàng là mười ba năm Trương Lương theo học thầy Hoàng Thạch Công, nhưng ông thầy đó lại không có thực. Vậy thì lời dạy trong mười ba năm ây đúng ra là lời dạy của lịch sử, của thực tiễn đấu tranh.
Thắng trận Cai Hạ, giết Hạng Võ thu giang san về một mối xong, Trương Lương đã bỏ cuộc đời phú quý để vào rừng đi hái thuốc. Điều này nói rõ tâm chất Trương Lương vốn dĩ là con người lãng mạn không tưởng, tâm chất đương nhiên của một đệ tử thế gia. Cho nên lúc Tần diệt Hàn cái tâm chất lãng mạn không tưởng kia tất nhiên phải nhảy vào hành động chính trị bằng thái độ vô chính phủ (anarchiste), khủng bố (terrorisme). Lề lối tác loạn vô chính phủ và khủng bố không đủ khả năng để tiêu diệt guồng máy thống trị bạo Tần. Trương Lương thất vọng trốn xuống Nam rồi ở đây chàng gặp những đầu óc lão luyện giang hồ. Thể nghiệm bản thân và học hỏi những tư tưởng mới mẻ đầy thực tế, Trương Lương đã phát hiện thấy phương pháp diệt Tần. Lúc Trương Lương cúi xuống nhặt dép cho ông lão rồi quỳ xuống bỏ dép vào chân người lạ, chính là lúc mà Trương Lương đã từ bỏ hẳn cái học vô ích của mình từ trước đến nay, dứt khoát hẳn với cái thân phận danh gia tử đệ ra mặt đứng vào cái thế chính trị mới để lao vào cuộc đấu tranh thời đại của thân phận áo vải làm Hoàng đế sau này là Lưu Bang. Cảnh ấy cũng tựa như cảnh Trifimo trong vở kịch Ciseraie (Tchekov) đánh chiếc xe troika dời bỏ khu rừng cũ để vào cuộc đời mới, cuộc đời mới của Trương Lương là trở nên một tay chính trị nhà nghề, thoát bỏ hẳn cái xác chính trị dũng sĩ trước kia.


Lời mở


Tổng thống J.F. Kennedy bị bắn chết ở Dallas. Robert Kennedy, em ruột vị Tổng thống quá cố, nhận cả một băng đạn vào đầu sau khi nghe tin thắng cử. Toàn thể dân chúng Mỹ tiếc thương anh em Kennedy, những chính trị gia lỗi lạc của Hoa Kỳ.
Ủy ban Warren được thành lập để đặc biệt điều tra về cái chết của vị Tổng thống khả ái. Qua nhiều tháng làm việc, Ủy ban đã hoàn thành một bản báo cáo dày cộm nhưng hết sức nhạt nhẽo, và bản Warren report bị công kích dữ dội là cố ý che đậy. Cuối cùng việc cũng êm xuôi.
Ché Guevara phơi xác trong khu rừng rậm rạp. Cả thế giới vô sản Nam Mỹ xót xa vị anh hùng đáng kính của họ. Nhưng ở trong bóng tối đã hiện ra một tập hồ sơ C.S. trong đó có ghi việc cần thiết của Đảng là phải làm sao cho phe tư bản thủ tiêu Ché.
Lịch sử xưa nay có cả trăm ngàn câu chuyện tương tự.
Trên lý tưởng thì chính trị hiện ra với những bộ mặt thiện ý, quang minh và chân lý.
Còn thực tế chính trị lại trái hẳn: thống trị thay cho thiện ý, sách lược thay cho quang minh và quyền lực thay chân lý. Rõ rệt đến nỗi người ta có thể nói rằng thống trị, sách lược và quyền lực là mặt phải, còn thiện ý, quang minh và chân lý là mặt trái mà thôi.

20 tháng 7 năm 1968


Chương 1 Ý nghĩa của chính trị


Chiều hôm ấy, khi chỉ còn mình Don Camillo với Chúa, từ trên bàn thờ, Chúa thú thật với Don Camillo rằng:
“Về mặt chính trị quả tình con giỏi hơn ta”.
(Le petit monde de Don Camillo của Giovanni Guareschi)

Ý nghĩa của chính trị

Ai muốn nói sao thì nói, chính trị chỉ có một sự thật và mỗi hiện tượng chính trị đều phải quy hết vào sự thực đó hoặc từ đó mà nảy sinh ra.
Sự thực là:
- Chính trị là hết thảy những hành động nhằm duy trì mở rộng và tranh đoạt quyền lực.
- Chính trị hoàn toàn chịu chi phối bởi quy luật khách quan của xã hội, sự cần thiết của lịch sử. Nó không phải là đạo đức hay lý tưởng.
- Đấu tranh chính trị là đấu tranh giữa kẻ thống trị và kẻ bị trị, giữa kẻ có địa vị và kẻ mất quyền lợi. Hết thảy danh nghĩa tốt đẹp chỉ là sự cần thiết từng giai đoạn hoặc là những hình thức ngụy trang.
- Phương tiện dùng cho đấu tranh chính trị là bạo lực và mưu mẹo.
- Kẻ nào có quyền, kẻ ấy cai trị, kẻ nào cai trị, kẻ ấy có lý do chính đáng.
(He who has authority, governs; he who governs, is right).

Mê hồn trận
Duy trì mở rộng và tranh đoạt quyền lực là một mê hồn trận, đặt người ta trước bộ mặt của Janus (nhân vật thần thoại có hai mặt) với những vấn đề bất trắc, trái ngược nhau. Mê hồn trận ấy theo rõi người chính trị ở khắp nơi và bất cứ lúc nào.
Vua Louis XV đã nói một câu rất chân thật nhưng chứa chất nhiều ý nghĩa:
“Không đốt pháo bông thì dân không có gì vui thú, mà đốt pháo bông thì tài sản của dân thành tro bụi”.
Đốt pháo hay không đốt pháo? Câu hỏi ấy cũng khó trả lời như khi người chính trị tự hỏi: nhân nghĩa đạo đức hay không nhân nghĩa đạo đức? Trong nhân nghĩa đạo đức có những điều thật bất nhân bất nghĩa. Trong bất nhân bất nghĩa có những điều thật nhân thật nghĩa. Ở lịch sử có người trả lời chậm câu này mà tan tành nghiệp lớn: Lưu bị trước lời khuyên của Khổng Minh nên cướp Kinh Châu từ tay Lưu Kỳ.
Phải để lặng lẽ bình yên hay phải khuấy động không ngừng dằng co giữa trật tự và tiến bộ. Trị rất cần thiết nhưng loạn không phải là tuyệt đối vô ích. Dân Sparte xưa kia hùng cường một thời rồi tiêu diệt. Lý do hùng cường là lệ luật và truyền thống sắt thép, nhưng lý do tiêu diệt cũng là lệ luật truyền thống sắt thép ấy bóp nghẹt dân Sparte không tiến bộ được.
Phải giải quyết êm đẹp cả quyền lợi công lẫn quyền lợi tư. Làm việc thiên hạ tất theo lẽ công, nhưng nếu không giải quyết được lẽ tư cũng thất bại.
Lịch Tự Cơ khuyên Hán Cao Tổ theo công đạo trả thiên hạ lại cho các chư hầu để làm sáng tỏ đức lớn. Lưu Bang sắp nghe. Trương Lương hay tin lật đật chạy vào can rằng: Hào kiệt sở dĩ theo người là vì muốn được hưởng quyền quý, nay Bệ hạ lại đem trả cho những người không cùng gian lao với Bệ hạ, tất thế phải loạn. Quay sang Lịch Tự Cơ, Trương Lương nói: cái công đạo của ông là công đạo chỉ biết một mà không biết hai.
Phải chọn chiến tranh anh dũng đau thương tang tóc hay hòa bình nhục nhã ê chề?
Lénine ký hiệp ước hòa bình với Đức ở Brest Litvovks bị các đồng chí công kích là phản cách mạng, phản quốc, nhưng sau này hiệp ước đó trở thành bài học lớn cho những đảng viên Cộng sản.
Làm sao ra khỏi mê hồn trận?
Cửa sinh của nó là thủ đoạn.
Thủ đoạn có phải là điều khó nghe chăng?
Chỉ có hai loại người tỏ ra khó nghe đối với danh từ thủ đoạn.
Loại thứ nhất: bọn bất lực.
Loại thứ hai: bọn giả đạo đức kiểu Frederich II mà Voltaire đã châm biếm bằng câu: “Il crache au plait pour dégoûter les autres” (Hắn nhổ bọt vào đĩa đồ ăn để hòng ăn một mình).

Tri vi thủ
Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống. Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm khi nói câu này có dụng ý muốn cứu vớt người Việt ra khỏi bi kịch thiên niên vạn đại của nhân loại, bi kịch làm trong sự không biết, phải làm trước khi biết mà các triết gia phương Tây gọi là L’homo faber precede homo sapiens. Tự cổ xưa học thuật phương Đông đã đặt nặng vấn đề biết: “Tri vi tam đạt đức chi thủ” (sự biết đứng đầu cả ba đạt đức). Chỉ có nắm được vững vàng sự biết thì mới dành được cái thế độc vãng độc lai (dịch hệ từ) có nghĩa là làm mưa làm gió. Trang Tử bảo: “Tri xuất hồ tranh”. Bởi đấu tranh nên cần phải biết, có biết mới thắng. Tri kỷ tri bỉ bách chiến bách thắng. Chính trị theo nghĩa của chữ policy của giống Anglo Saxons là quan niệm và chương trình hành động của một cá nhân, một đoàn thể hay một chính trị thì sự biết kia lại càng là vấn đề sinh tử.
Thợ nào được thì ăn cơm vua
Đơn giản như câu hát vui của bày trẻ nhỏ chơi trò kéo cưa lừa xẻ.
“Thợ nào được thì ăn cơm vua.
Thợ nào thua thì về bú tí...”
Đơn giản như bài thơ ngụ ngôn La Fontaine nói về phần con sư tử.
Chính trị là một luật tắc duy nhất hiệu quả (efficacité) không phải kẻ tốt là kẻ thắng mà là kẻ khoẻ, kẻ giỏi, kẻ khôn khéo mới là kẻ thắng. Những người loại trên không bao giờ được tha thứ, họ sẽ bị đưa vào tòa án Nuremberg để nghe bản án treo cổ, họ sẽ như Tô Tần về nhà, vợ dọn cho bát cơm nguội với quả cà thiu. Cái cười của chàng Chiêu Lỳ Phạm Thái với lời nói ngạo nghễ: “Ha ha chí lớn trong thiên hạ không chứa đầy hai mắt mỹ nhân”, chỉ là cái cười tiểu thuyết.
Hiệu quả của chính trị là đoạt được quyền lực, duy trì và mở rộng quyền lực.
Người ta không thể nói: Tất cả sự thành công của chính trị đều tốt lành. Nhưng người ta có thể nói: tất cả những chính trị muốn tốt lành thì phải đưa dẫn đến thành công. Đành rằng thành công không tuyệt đối thánh thiện hóa được hết thảy tuy nhiên thất bại lúc nào cũng như lúc nào là tội ác xấu xa.
Chính trị hoàn toàn là câu chuyện đả thiên hạ tố hoàng đế, nghĩa là dành đoạt quyền lực. Cuộc tranh đoạt ấy được diễn tiến trên ba chiến trường:
1- Giữa những kẻ đã có quyền lực trong tay và kẻ chưa có quyền lực. Kẻ có tìm cách giữ, kẻ không tìm cách đoạt.
2- Giữa những người cùng có quyền lực, nhưng muốn quyền lực mình lớn hơn lấn áp người khác.
3- Giữa các tập đoàn lớn như các quốc gia các dân tộc.

Quyền lực
Lịch sử và những biến động lịch sử dĩ nhiên do nhiều động cơ kết hợp lại. Tuy vậy cái trục để cho động cơ kia xoay chung quanh vẫn là một sự thực: thiểu số có tổ chức có cùng ý hướng cai trị đa số vô tổ chức, kém ý chí và kém khả năng. Vận động hay biến động chính trị đều chuyển vào trọng tâm của tham vọng quyền lực. Hay nói khác đi, biến chuyển lịch sử đều chỉ là vận động của quyền lực.
Vì quyền lực mang tác dụng tuyệt đối nên tính chất của quyền lực là chuyên đoán và bài tha.
Con người sống trong xã hội thường xuyên tìm cách lấn át nhau mà tranh đoạt phần hơn phần tốt. Tình trạng lấn át và chống lại lấn át đó gọi là xung đột. Giải quyết cuối cùng cho những mối xung đột này là: hoặc Giáp phải cướp được bộ phận hay toàn bộ phần hơn phần tốt từ tay Ất hay Bính, Đinh, v.v. Nếu Giáp chỉ mới cướp được ít thôi, cơ hội khác đến Giáp sẽ cướp thêm. Ở xã hội văn minh, người ta đã cố sức lập luận biện minh và tìm cách trong sạch hóa, thánh thiện hóa những sự giải quyết xung đột nhưng chúng vẫn không hề thoát ra khỏi hình thái kể trên.
Muốn giải quyết xung đột thì phải có quyền lực, chính trị là cuộc đấu tranh giành quyền lực, đấu tranh không có đất cho thỏa hiệp bình đẳng, kết quả của đấu tranh nhất định phải hơn thua, hoặc chuyển đổi từ tay người này sang tay người kia, từ tập thể này qua tập thể khác. Nếu có thỏa hiệp nào thì đấy là sách lược. Nếu mới tranh đoạt được một phần mà đã ngừng thì đấy là giai đoạn hoãn xung.
Hành động tranh đoạt thường thường quyết định do bạo lực. Ngay như các vấn đề tôn giáo, bản thân tôn giáo vốn răn dạy chống bạo lực, thế mà đến khi tranh đoạt quyền lực tín ngưỡng thì máu cũng vẫn chảy. Trong sử sách đã từng có bao nhiêu cuộc thánh chiến tàn sát.

Bạo lực có hai loại:
a) - Bạo lực tâm lý.
b) - Bạo lực vật lý.
Bạo lực tâm lý gồm những hoạt động thuyết giáo tuyên truyền, lý luận, v.v...
Bạo lực vật lý gồm những vũ khí chiến tranh, tiền bạc, tổ chức mật vụ, bộ máy chính quyền v.v...
Cả hai đều có chung một tác dụng chấn áp đối phương. Bạo lực tâm lý cần sự yểm trợ của bạo lực vật lý mới gây hiệu quả mạnh mẽ, ngược lại bạo lực tâm lý cũng khiến cho bạo lực vật lý đạt mục tiêu dễ dàng hơn.
Nói thêm một lần nữa về vấn đề quyền lực
Con người trong xã hội vì muốn lấn át nhau, mà thành xung đột. Muốn thắng lợi phải có quyền lực. Như vậy quyền lực đã bước qua hai giai đoạn, khởi đầu nó chỉ là thủ đoạn để giải quyết xung đột, rồi nó trở thành mục đích của mọi mối xung đột và rốt cuộc nó biến ra vai chủ giốc của tất cả mọi cuộc đấu tranh chính trị. Bây giờ nói đến chính trị là phải nói ngay đến chính quyền.
Đào sâu để tìm hiểu vai trò của nó. Từ đơn giản đến phức tạp quá trình phát triển của quyền lực có những công thức sau đây:
Xung đột xã hội đòi hỏi một giải pháp.
Vậy là X (xung đột) → G (giải pháp)
Muốn giải quyết xung đột thì phải thông qua quyền lực.
Vậy là X → Q (Quyền lực) → G.
Nhìn công thức thứ hai thì quyền lực chỉ là một thủ đoạn để giải quyết xung đột xã hội. Nhưng do sự lớn lên không ngừng và giá trị vạn năng của nó, nên quyền lực được mục đích hóa. Nắm được quyền là được tất cả phương tiện để giành sự thắng lợi trong việc tranh đoạt. Khi quyền lực được mục đích hóa thì nó trở thành đầu mối của mọi mối xung đột. Hãy giành lấy quyền lực đã, rồi thì xung đột sẽ được giải quyết.
Vậy là: Q → X → R → Q’’
Quyền lực khởi sơ vốn là thủ đoạn để giải quyết xung đột xã hội, nhưng khi nó biến ra mục đích thì nó lại là đầu mối của xung đột, xung đột giành giá trị xã hội lui về địa vị thứ yếu. Xung đột hoàn toàn là xung đột quyền lực.
Vậy là: Q → x → Q’’ → X → Q’’ ’’

Đại thể và tiểu thể
Có hai mức để phân tích và biện biệt chính trị:
Đại thể chính trị (macropolitique) và tiểu thể chính trị (micropolitique). Hai thể có quan hệ mật thiết và ảnh hưởng lẫn nhau. Nhà Tống phải đối phó với xâm lăng của giặc Kim đó là vấn đề của đại thể chính trị. Tần Cối chống Nhạc Phi đó là vấn đề của tiểu thể chính trị. Đến khi tập đoàn Tần Cối thắng tập đoàn Nhạc Phi, thì nhà Tống không còn chống được xâm lăng của Kim binh nữa. Chính trị đối với vấn đề Bắc của Tây Sơn là đại thể. Liên lạc giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Hữu Chỉnh là tiểu thể chính trị. Nhưng nếu thiếu Cống Chỉnh chính sách đối với phương Bắc chưa chắc đã trôi chảy êm đẹp. Tuy nhiên phải nhận một điều: Giữa Chỉnh và Nguyễn Huệ thì chỉ có Nguyển Huệ làm chính trị đại thể còn Chỉnh luôn luôn loanh quanh với cái chính trị tiểu thể.
Trị và loạn
Đoạn cuối bài Bình Ngô có câu:
“Vẫy vùng một mảnh nhung y nên công đại định, phẳng lặng bốn bề thái vũ mở hội vĩnh thanh”.
Đoạn đầu cuốn sách Hoàng Lê nhất thống chí, Ngô Thời Chí viết:
“Chính trị trong nước, kỷ cương trong triều hết thảy đều đổi mới một lượt, bao nhiêu tướng giặc, đảng đại nghịch cũng đánh tan. Bốn phương yên lặng, kho đụn sung túc. Như vậy gọi là thời đại trị”.
Trị với loạn chia ra làm nhiều trình độ đại trị, tiểu trị, đại loạn, tiểu loạn.
Đại trị là sự thăng bằng ổn định trên sáu mặt trị bình.
- Thứ nhất: Trị đạo.
- Thứ hai: Trị thể.
- Thứ ba: Trị học.
- Thứ bốn: Trị tài.
- Thứ năm: Trị thuật.
- Thứ sáu: Trị phong.
Sáu mặt trị bình nói trên có hai mặt căn bản là trị đạo và trị thuật. Và căn cứ vào chứng nghiệm lịch sử cổ nhân rút ra định lý sau đây:
- Được cả đạo lẫn thuật tất đại trị.
(đắc kỳ đạo hựu đắc kỳ thuật tắc đại trị).
- Được thuật nhưng sơ hở về đạo có thể tạm yên.
(đắc kỳ thuật nhi lược kỳ đạo tắc tiểu khang).
- Nếu mất cả thuật lẫn đạo thì đại loạn.
(Duy thất kỳ thuật hựu thất kỳ đại tắc đại loạn).
Định lý trên chỉ nói đến thuật đứng một mình mà không nói đến đạo đứng một mình. Như thế thuật có khả năng đơn độc giải quyết chính trị, còn đạo không có khả năng đơn độc giải quyết. Đạo thiếu thuật sẽ thành ra một loại không tưởng.

Nói về trị đạo
Nước khỏe đánh nhau bằng binh đao, nước ở ngôi bá đánh nhau bằng trí óc, nước ở ngôi vương đánh nhau bằng nhân nghĩa (trích thiên Văn Dịch của Vân Trung Tử).
Đánh bằng nhân nghĩa, ý người xưa muốn nói đến chiến tranh tư tưởng, chiến tranh ý thức hệ, bởi vì trong cổ sử mỗi khi khởi nghĩa thường dùng danh từ đánh kẻ vô đạo. Như vua Kiệt nhà Hạ vô đạo nên Thành Thang lấy đạo nhân mà đánh vua Kiệt. Vô đạo và vô nhân nghĩa theo thói quen lâu đời vẫn thường được nhìn dưới lăng kính thuần túy luân lý (éthique). Trong khi nghĩa đen của chữ đạo lại là con đường nghĩa này rất đúng hợp khi áp dụng vào chính trị. Dùng nghĩa là con đường mới có thể thấy chữ đạo rộng lớn hơn. Nắm được đạo là tìm thấy chủ lưu của tình tự, chủ lưu của tâm lý là chủ lưu của hình thể chính trị. Nắm được đạo thì khả năng hiệu triệu mới đạt tới mức tối đa, sức mạnh tăng gấp bội do ảnh hưởng của bài hịch khuyên tướng sĩ đánh giặc của Trần Hưng Đạo.
Xuống một tầng nữa đạo là một lý thuyết nhận thức (théorie de connaissance) và lý thuyết hành động (théorie d’action). Tỷ dụ chủ nghĩa Marxisme với duy vật biện chứng pháp.
Giở sử ra để lấy ít việc điển hình như sự thành lập nhà Minh bên Trung Hoa, rồi đặt câu hỏi:
Cuối đời Nguyên, người Trung Hoa nổi lên đánh quân Nguyên rất đông, tại sao chỉ một mình Chu Nguyên Chương thành công?
Sau khi khảo sát, câu đáp sẽ là: lý do khiến cho Chu Nguyên Chương thành công gồm bốn điểm:
a) - Có chủ nghĩa (đạo) lãnh đạo tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc, nắm vững tình tự căm thù của dân tộc.
b) - Có nhân tài. Chu Nguyên Chương được nhiều anh tài phò giúp, mưu thần có Phùng Quốc Dũng, Lưu Cơ, Lý Thiên Trường, võ tướng có Thường Ngộ Xuân, Từ Đạt, v.v...
c) - Có dân chúng.
d) - Có sách lược.
Đạo phải được coi như là một chương trình hành động để nó luôn luôn đừng quên gắn liền với quyền lực, giành giật quyền lực mà thực hiện, không thế đạo sẽ trở thành tiên tri tay không (les prophètes sans armes). Những nhà tiên tri tay không thường chịu cảnh ngộ như: chúa Jesus bị đóng đanh đội mũ gai, Khổng Tử lang thang nước này nước nọ, Karl Marx khổ cực trên căn gác tồi tàn. Đạo Christ phải đợi quân La Mã phát triển, Khổng Tử phải đợi nhà Hán áp dụng mới được tôn thờ, Mác-xít phải đợi đảng Bôn-sê-vích cướp chính quyền mới lan tràn mạnh.

Nói về trị thể
Tư tưởng, chủ nghĩa không thể cứ thơ thẩn bay trên mây nó phải thành hình thể nghĩa là thành một bộ máy, một tổ chức hay chế độ. Karl Marx đưa ra trị thể của chủ nghĩa Mác-xít bằng nền vô sản chuyên chính. Trị thể của chủ nghĩa tự do sau đại cách mạng Pháp là thể chế dân chủ với tam quyền phân lập, với hiến pháp, với tuyển cử. Cũng như xưa trị thể của nhà Đinh sau loạn thập nhị sứ quân là vương quyền tập trung. Trị thể của nhà Hán là lại trị thay cho quý tộc, thống nhất thay cho lãnh chúa. Trị thể của đạo Thiên Chúa là hệ thống giáo đường các hàng giáo phẩm do ông Thánh Pierre khởi thủy.
Ở mỗi trị thể lại có một bộ máy hoạt động. Cộng sản gọi là cán bộ, tôn giáo gọi là tăng lữ, vua chúa gọi là triều thần. Thu gọn lại, trị thể mang sứ mệnh giải quyết vấn đề tổ chức, tổ chức bộ máy đấu tranh, tổ chức chính quyền.

Nói về trị học
... Học là vấn đề lúc nào cũng cần thiết. Đời sống vạn phần phức tạp, thứ nhất là chính trị cách mạng thì lại càng biến hóa bất trắc. Phải học để tiến bộ, có nắm vững sự học tập thì mới có khả năng lãnh đạo công việc đến thắng lợi vượt khỏi hoàn cảnh phức tạp khó khăn trăm ngàn biến hóa.
Trần Vân nói: “Giỏi lý luận cách mạng mới tìm thấy đầu mối của tình thế gay go, tìm thấy phương hướng trong đường vận động luôn luôn chuyển đổi. Cho nên con người cách mạng không lúc nào được xao lãng học tập, thường xuyên nỗ lực nâng cao khả năng chính trị, khả năng văn hóa, tăng tấn trí thức cách mạng, bồi dưỡng khả năng trông xa thấy rộng trên chính trị”.
Muốn dựng nước phải học: Nhiều quốc gia sau thế giới đại chiến thứ hai đã xô nhau áp dụng chế độ dân chủ nhưng vì thiếu cái học dân chủ nên đa số quốc gia thất bại. Kinh nghiệm chua chát này Panikkar, một chính khách người Ấn đã trình bày khá rõ ràng trong cuốn sách: “Những vấn đề của các nước mới”. Do đó khi Cộng sản nắm chính quyền thì lập tức vấn đề phấn đấu xây dựng đội ngũ trí thức vô sản được tiến hành gấp rút.
Họ quan niệm:
Khi một giai cấp đã nắm được công cụ sản xuất vật chất, tất phải nắm luôn cả công cụ sản xuất tinh thần. Mỗi người của giai cấp thống trị phải xây đắp cho ý thức hệ mà họ đang thao túng để dẫn đạo một thời kỳ nào đó của lịch sử, nghĩa là tất cả phải hoặc là sản xuất tư tưởng hoặc là phân phối chúng để đạt tới sự chế ngự trên lãnh vực tinh thần của cả một thời đại.

Nói về trị tài
Thắng lợi chính trị nhờ ở cán bộ giỏi kể cả lúc cướp chính quyền. Lưu Bang có Trương Lương làm mưu thần, Tiêu Hà coi binh lương quản lý nội vụ bộ mà vẫn chưa thắng bởi vỉ Lưu Bang còn thiếu một vị tướng súy? Trương Lương biết Hàn Tín có tài nên mới đi bán kiếm để chiêu dụ Hàn Tín về cho Lưu Bang.
Lưu Bị nghe tiếng Gia Cát Lượng đã phải ba lần lặn lội gió mưa để đến mái nhà tranh của Gia Cát.
Đường Thái Tổ, Lý Thế Dân mở khoa thi kén chọn người tài, đứng trước thành quả, vuốt râu cười nói: Thế là dân tài thiên hạ đã vào lưới của ta.
Quang Trung Nguyễn Huệ thường đến vấn kế La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiệp.
Chính trị cổ nhân đối với vấn đề nhân tài thường có quan niệm: Nhất nhân định quốc. Quan niệm này nhằm mục đích đơn giản hóa, tạo nên một điển hình, một mẫu kiểu cho một định hướng. Tuy nhiên không phải vì vậy mà nhân tài cổ xưa không có muôn màu muôn vẻ.
Sách Luận Ngữ có nói:
“Phàn Trì hỏi về điều nhân, Khổng Tử đáp: Yêu người và biết mình”.
Chính trị nông nghiệp Trung Quốc coi việc yêu người là một sự tình lớn nhất, coi việc biết người là bản lãnh lớn nhất. Mọi tâm tư đều hướng về việc yêu người, mọi trí tuệ phải hướng vào việc biết người. Có thế mới biết yêu tiếc và đề bạt nhân tài.
Ngày nay vấn đề nhân tài đã trở thành một học khoa. Các nhà xã hội khởi đầu bằng Vilfredo Pareto đã tìm thấy các quy luật biến động xã hội căn bản là sự lưu chuyển của các phần tử ưu tú (Circulation des elites), lưu chuyển của nhân tài.
Theo Paréto thì xã hội nào cũng được điều khiển bằng những phần tử ưu tú. Khối phần tử ưu tú đó không bao giờ tĩnh chỉ (Statique). Cơ cấu thành phần cùng những mối liên hệ của nó với xã hội thay đổi không ngừng. Xã hội đổi mới đòi hỏi những mẫu người mới. Thời chưa phát minh ra súng ống thì người võ sĩ đạo với thanh kiếm sáng là anh tài, đến khi kỹ nghệ phát triển thì người kỹ sư mới là hàng lãnh đạo. Khi khối người ở chính quyền kém hèn, phần ưu tú bên ngoài lật chính quyền để giành đoạt quyền lãnh đạo xã hội. Hãy đọc trong lịch sử cách mạng Pháp và lịch sử cách mạng Nga để tìm thấy tầm mức quan trọng của phần tử trí thức. Người ta cũng có thể nói hai cuộc cách mạng đó là do sức mạnh của cả quảng đại quần chúng, nhưng dưới nhãn quang xã hội học thì quần chúng chỉ có thể dấy lên và thành công nếu quần chúng có những người lãnh đạo giỏi. Nếu nhìn thẳng vào cuộc cách mạng đó, điều trông thấy rõ ràng trước nhất là một giai cấp lãnh đạo mới còn quần chúng lại vẫn là quần chúng. (Xin đọc Nói chuyện Tam Quốc).

Nói về trị phong
Trị bình đến tuyệt đỉnh là gây dựng được phong khí chính trị. Thực dân khi sang xâm chiếm nước ta đã tạo ra cái phong khí thư lại (thông ngôn, tham biện, quan đốc, quan trạng ở thành thị; hào lý phủ huyện ở nông thôn) để cho dân chúng quên giang sơn tổ quốc vùi đấu tranh vào sự giành chức tước phẩm hàm. Nhà Thanh vào cai trị Trung Hoa đã tạo ra tục lệ róc tóc bím hòng làm cho dân Trung Hoa quên mất nòi giống của mình.
Cái trị phong độc ác đó của kẻ xâm lược, Trang Tử đã dẫn ra một chuyện sau đây: “Có con heo sắp bị chọc tiết tế thần, nó sợ kêu la ầm ỹ. Viên quan coi về việc tế lễ mới đến gần bên nó mà dụ ngon dụ ngọt heo rằng: Heo ơi, can chi mà mày phải lo lắng thế, tao đưa mày về đây để cung dưỡng mày ba tháng cơm thật no, mày tha hồ tự do muốn ăn thì ăn muốn ngủ thì ngủ. Trước khi tao đem mày về cúng tế thần linh tao sẽ tắm rửa cho mày sạch sẽ, vỗ về chăm sóc cho mày...
Con heo nghe lời dụ sung sướng khoan khoái.
Quan phụ tế lại dụ thêm rằng:
... Heo ơi sau khi mày chết rồi tao sẽ mặc cho mày thứ áo màu sặc sỡ, cắm lên tai mày hai bông hoa, đặt mày lên bàn sơn thiếp vàng rồi sai bốn người kính cẩn khiêng đi.
Heo càng khoái lớn, ve vẫy đuôi vào máng cám ăn no nê rồi quay ra ngủ không kêu rên gì nữa cả”.
Panikkar cũng viết: Tất cả nỗi khó khăn hàng đầu cho một nước mới độc lập là chống lại cái phong khí ươn hèn, ích kỷ của chế độ thực dân để lại. Muốn chính trị chuyển động, việc làm trước hết là phá hoại cái phong khí chính trị khó thở cũ để mà thổi một luồng gió mới vào xã hội.
Với những trình diễn vĩ đại ở Nuremberg, đảng Quốc Xã đã thôi miên dân tộc Đức bằng ước mơ một nước Đức vĩ đại khác hẳn với tình trạng đói khổ hèn yếu sau hiệp ước Versailles: với những hành khúc hùng tráng Wagnerien, với những triết thuyết của Fichte và Nietzsche, đảng Quốc Xã đã xô dân Đức vào luồng sóng cuồng nhiệt cho một ước vọng quật khởi oai hùng.
... Hội nghị Diên Hồng và hai chữ Sát Đát thích vào cánh tay một phong khí chính trị quyết chiến đến toàn dân.
Một đảng, một chế độ đều cần phải có phong khí cần thiết cho cuộc đấu tranh. Chế độ mà không có phong khí của chế độ sẽ không thành chế độ. Đảng không có phong khí của đảng thì đảng chẳng ra hình thù gì cả.
Ngày 1 tháng Hai năm 1942, Mao Trạch Đông có viết một văn kiện quan trọng. Đó là bản chỉnh đốn tác phong đảng. Mao viết:
“Tổng lộ tuyến của đảng chính xác không có vấn đề, công tác đang đạt nhiều thành tích ai cũng biết không phải hoài nghi gì nữa. Nhưng chúng ta vẫn còn thiếu sót và điều thiếu sót lại là điều khá quan trọng. Đó là vấn đề tác phong đảng... Nếu chúng ta muốn hoàn thành công cuộc đánh bại kẻ thù thì chúng ta phải hoàn thành nhiệm vụ chỉnh đốn tác phong đảng”.

Nói về trị thuật
Hết thảy mọi sự thành công trên đời này đều do thuật mà đến. Kể cả sáu mặt trị bình, thì chỗ nào cũng có mặt của thuật.
Thuật là gì?
Giả Nghị trả lời:
Thuật là xét động tĩnh của công việc để chế ngự công việc, nó ứng biến vô cùng. Thuật là mưu trung chi biến. Mạnh Tử đã giảng nghĩa minh bạch về chữ thuật qua tỷ luận tài bắn của Dưỡng Do Cơ. Ông nói: “Chí nhĩ lực dã, trúng phi nhĩ lực dã” (mũi tên đến là do sức mạnh của Dưỡng Do Cơ, mũi tên trúng đích là do cái thuật bắn tài tình của Dưỡng Do Cơ).
Thuật theo hiện đại ngữ gọi là sách lược chính trị. Machiavel nói con người chính trị có hai hình thái chính: Con sư tử và con cáo. Sư tử tượng trưng cho sức mạnh, con cáo tượng trưng cho thuật.
Kantiliya và kinh Artha-Çastra của Ấn Độ khi nói về thuật trong chính trị có đưa ra sáu điểm chủ yếu:
1. Chiến tranh
2. Hòa bình
3. Chờ thời
4. Tấn công
5. Cầu viện, mượn sức
6. Hai mặt
Và giảng nghĩa như sau:
Nếu thấy yếu hơn thì phải hòa bình, nếu thấy khỏe hơn thì đánh ngay, nếu lực lượng tương đương thì chờ đợi, nếu thấy hơn thưng thì lấn át, nếu thấy kém thì mượn sức, nếu mượn sức thì phải có kế hoạch hai mặt.
Ông Lã Vọng ngồi câu ở sông Vị, khái quát thuật trí vào ba mươi sáu kế như sau: Đả thảo kinh xà, vô trung sinh hữu, tá thi hoàn hồn, ám độ Trần Sương, kim thiền thoát xác, thiết thụ khai hoa, xuất khách vi chủ v.v...
Quản Trọng đưa ra 7 pháp như: Tắc, tướng, pháp, hóa, quyết tắc, thâm thuật, kế số.
Nói tóm lại, thuật là tất cả những gì thuộc về việc vận dụng mưu lược. Toàn bộ cuốn sách thủ đoạn trong tay độc giả đây chuyên chú tất cả công việc đối đãi với chữ thuật. Tức là chủ nghĩa Duy Trí.
Chủ nghĩa Duy Trí của chính trị khả dĩ khái quát vào câu: Bất cứ quyển sách nào được đem ra áp dụng đều phải ràng buộc với sự an toàn của một thể chính trị (Quốc gia, Đảng... ngoài sự đó ra đều là giả vấn đề).


2008-01-28 18:31:26

No comments:

Post a Comment