Việt Thường
chuyện 30 năm về trước
GIẤC NAM KHA KHÉO BẤT BÌNH…
Sau khi các nhóm cộng sản ở ba miền Bắc, Trung và Nam của Việt Nam hợp nhất được vài tháng thì ông Hồ chí Minh lấy cớ theo lệnh của đệ tam quốc tế bắt đổi tên đảng thành "đảng cộng sản Đông Dương". Có điều đáng lưu ý là trong ban chấp hành của đảng do Trần Phú làm tổng bí thư đầu tiên, không hề có mặt một người nào là Lào hay Cam-bốt. Như thế có nghĩa là cái đảng cộng sản Đông dương do Hồ chí Minh sáng lập có nhiệm vụ nhuộm đỏ cả Lào lẫn Cam-bốt mà chẳng cần có ý kiến dù chỉ là một người của nước Lào hoặc Cam-bốt.
Thực dân Pháp đã xâm lăng ba nước Việt Nam, Lào và Cam-bốt, xóa sổ ba nước có truyền thống văn hóa và lịch sử còn lâu đời hơn của nước Pháp trên bản đồ thế giới; đổi thành Đông Dương thuộc Pháp, chia thành năm xứ là Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào và Miên. Tất cả đều dưới quyền cai trị của một viên toàn quyền Đông Dương với các chức sắc kế cận là thống sứ và công sứ ngưới Pháp, song song là hệ thống vua quan người bản xứ.
Chẳng phải suy diễn, mà chính từ cái tên đảng cộng sản Đông Dương với toàn bộ ban chấp hành là người Việt Nam cũng nói lên tham vọng của người sáng lập ra nó là Hồ chí Minh - có tên Nga là Line - muốn sau khi lật đổ chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, thì, cái "ngôi" toàn quyền sẽ là chỗ của Hồ chí Minh, các thống sứ và công sứ sẽ là các ủy viên ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Đông Dương. Đương nhiên sẽ phải có các chức sắc bù nhìn song hành là người bản xứ. Và, cái "Liên bang Đông Dương đỏ" này có mẫu quốc là Nga-xô, vì kẻ đứng đầu nó là Line (tức Hồ chí Minh), một người Nga gốc Việt, mọi mục tiêu, mọi hành động đều vì quyền lợi của nước Nga-xô.
Không chỉ là người hoạch định đường lối, Hồ chí Minh còn đích thân bôn ba, lặn lội khắp vùng biên giới của Việt Nam cũng như Lào và Cam-bốt để chọn người, tổ chức và đào tạo các nhân sự trung kiên cho bộ máy cai trị của Liên Bang Đông Dương đỏ sau này.
Kể từ ngày đảng Cộng sản Đông Dương được khai sinh (1930) cho đến ngày thở hắt ra, nằm đấy cho các chuyên gia Nga-xô moi óc, moi hết ruột gan, ướp xác (9-1969), gần cả bốn chục năm trời, Line (tức Hồ chí Minh) chỉ thực hiện được không trọn vẹn một phần năm tham vọng của mình: nằm tại phủ toàn quyền Đông Dương chỉ để cai trị "xứ Bắc Kỳ" và thêm vài tỉnh của "xứ Trung Kỳ".
Trước năm 1945, Line (tức Hồ chí Minh) đã tự bấm số tử vi cho mình và đoán đúng là thành công vào lúc 55 tuổi (tức 1945) (xem "Những năm tháng không thể nào quên" của Võ nguyên Giáp). Vào giữa những năm của thập niên 1960, Line (tức Hồ chí Minh) lại xoay qua nghề của Tả Ao (thầy địa lý). Ông thường mượn cớ đi "kinh lý" khắp nơi để tìm đất thiêng. Cái mảnh đất lý tưởng đó của ông là vùng Ba Vì (xưa thuộc tỉnh Sơn Tây, nay nhập thành một huyện của Hà-nội). Ông đã lén chôn tất cả những cái răng bị rụng của ông ở đó, hi vọng nó sẽ bột phát cho ông được làm "Hoàng đế Đông Dương" dù chỉ một ngày... trước khi... " đi thăm Các-Mác và Lê-nin".
Bàn tay Line (Hồ chí Minh) đã vấy đỏ máu người mà có dùng hết nước biển Đông cũng không rửa sạch được. Không chỉ giết "kẻ thù", tay ông còn vấy máu của các đồng chí của ông, của dân tộc đồng bào với ông, của những người mà ông chịu ơn cưu mang khi hoạn nạn (như bà Nguyễn thị Năm, chủ đồn điền Đồng Bẩm, Thái Nguyên; như kỹ sư nông học Đào đình Quang, chủ đồn điền Đào Giã, Phú Thọ; như chánh tổng Vạn Phúc, Hà Đông v.v...). Ấy vậy mà Line (tức HCM) sợ chết, ông không dám nói đến chữ "chết", cái tiến triển tất yếu của đời người mà chỉ nói là đi "thăm"... nghĩa là đi vắng vài buổi, hoặc vài tháng, hoặc vài năm... để trở về sẽ thấy "mấy cái răng" của ông nhờ táng được vào đất thiêng đã "bột phát" cho ông thành "hoàng đế" hoặc "chủ tịch vĩ đại" của toàn khối Đông Dương. Buồn thay, tất cả vẫn chỉ là giấc mơ. Giờ đây, Line (tức HCM) nhắm mắt nằm trong lăng, chình ình ở giữa Hà-nội, ông không thể thấy được cái mộng "Liên Bang Đông Dương" của ông đang là một hiện thực thảm hại. Phải chăng cái ngày đi kinh lý vùng Ba Vì, khi lén chôn mấy cái răng sâu của mình, Hồ bấm theo giờ đổi mới của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, có sai với giờ thời cụ Tả Ao nên nó không linh nghiệm, hoặc giả vì những chiếc răng ấy ăn quá nhiều thai nhi ngâm mật ong gốc Hà Giang nên nó phát ngược lại?
Kế hoạch cấy người của Line (tức HCM) rất tinh vi. Thử lược lại những nét lớn thì thấy:
ĐỐI VỚI LÀO
Nước Lào cộng sản có hai nhân vật quan trọng nhất, đó là Tổng bí thư Lào cộng, Cay-Xon Phôm-Vi-Hản và hoàng thân Xu-Va-Na Phu-Vông, chủ tịch nước, ủy viên bộ chính trị Lào cộng. Chẳng ai có thể ngờ rằng ông Cay-Xon Phôm-Vi-Hản chính là một người Việt Nam, quê ở Tự Sơn (Bắc Ninh). Tên thật là Xông, làm cai lục lộ, được giác ngộ và gia nhập đảng cộng sản Đông Dương. Cai Xông sau vào làm việc ở Nha Trang và đi Lào. Chính ở đây, Cai Xông đã gặp kỹ sư công chính Xu-Va-Na Phu-Vông, và theo lệnh của Line (tức HCM) đã móc nối và kết nạp ông hoàng Xu-Va-Na Phu-Vông vào đảng công sản. Để nắm chặt được ông hoàng người Lào này, người của ông Line (tức HCM) không chỉ kích động cái cảnh con vợ cả, nàng hầu của ông hoàng Xu-Va-Na Phu-Vông và ông hoàng Xu-va-na Phu-ma; bằng cách vạch cho ông hoàng Xu-va-na Phu-vông con đường duy nhất để chiếm quyền của ông Phu-Ma là phải đi theo cộng sản, mà còn cột ông Xu-Va-Na Phu-vông vào một cô gái Việt Nam, gốc Nha Trang, sau trở thành vợ của ông ta.
Trong những năm chiến tranh, người của Line (tức HCM), tất nhiên là người Việt Nam chính hiệu, đã sang Lào điều hành toàn bộ guồng máy công an, quân đội, thương nghiệp, giao thông vận tải và bưu điện truyền thanh.
Cai Xông lấy vợ Lào, đổi tên thành Cay-Xon Phôm-Vi-Hản, nhưng trước 1975, vẫn ở tại tòa vi-la ở phố Nguyễn gia Thiều (Hà Nội) kế bên cố vấn tối cao của ông ta là thiếu tướng Nguyễn trọng Vĩnh, ủy viên dự khuyết trung ương cộng đảng kiêm ủy viên quân ủy trung ương.
Hiệp định Genève về Lào, Hoàng văn Hoan, ủy viên bộ chính trị cộng đảng được Line (tức HCM) giao cho làm cố vấn tối cao của đoàn Việt Nam, nhưng thật ra cũng đồng thời là cố vấn tối cao cho đoàn Lào cộng.
Để ve vuốt ông hoàng Phu-Ma, Line (tức HCM) cho mở tại Hà-nội hai tòa đại sứ, một của Vương Quốc Lào, một của Lào Cộng. Tòa đại sứ Vương Quốc Lào là một biệt thự nguy nga thuộc loại hiếm của Hà-nội, tọa lạc ở đại lộ Quang Trung. Cơ quan an ninh của Hà-nội đã cài được hai cô gái Việt Nam lấy chồng là nhân viên của sứ quán Vương Quốc Lào. Cô H., gốc Việt kiều ở Thái Lan về Bắc Việt Nam, sau có vẻ lơ là với nhiệm vụ, theo chồng đi nước khác; chỉ còn cô Lê Thị N. vẫn còn sáng giá, nhờ đó các em trai dù mắc các tội chứa điếm, ăn cắp, buôn lậu Bắc-Nam, vẫn được vô tội. Chẳng thế, một người còn được cho vượt biên sang Úc, còn đứa em trai út được làm trong ngành điện ảnh có nhiều liên hệ với tòa lãnh sự Pháp ở Sài-gòn hiện nay và cũng là một trùm "mánh mung, buôn lậu", hay gần gũi cả giới văn nghệ sỹ lẫn dân "phe phẩy", có tên là Lê đình Th., một mú của Dương Thông.
ĐỐI VỚI CAM BỐT
Lợi dụng bệnh chính trị thất thường của ông hoàng Xi-Ha-Núc của Cam-Bốt, Line (tức HCM) trong thời kỳ cho quân vào xâm lăng miền Nam, đã tận dụng vùng đất Mỏ Vẹt của Cam-Bốt, làm khu an toàn cho nơi tập kết quân đội và vũ khí mỗi khi khó khăn, còn dùng nơi đó làm căn cứ tập trung và đào tạo sơ khởi cho những người dân Cam-Bốt, tạo thành đạo quân thứ năm cho chính quyền của ông Line ở Cam-Bốt. Hầu hết các nhân vật chóp bu của cộng sản của Cam-Bốt đều được guồng máy của Line lựa chọn và đào tạo bằng cách này hay cách khác. Hênh Som-Rin và Hun-Sen đều được ăn học tại Hà-nội. Và, ngay Pôn-Pốt cũng chính là do tay chân của ông Line tuyển chọn. Tên thật Pôn-Pốt là Hai Nghĩa, vốn là người Việt gốc Miên ở Sa-Đéc. Nghĩ rằng cái nguồn gốc đó có thể cột chặt được Pôn-Pốt với chính quyền của Line ở Hà-nội, nào hay ông Mao Trạch Đông lại hiểm hơn, múa lại bài võ của ông Line với hoàng thân Xu-Va-Na Phu-Vông, cài cho Pôn-Pốt (tức Hai Nghĩa) lấy cô vợ Tàu. Trong canh bạc này Line bị Mao phổng tay trên mất ù. Và, hậu quả như chúng ta đã biết.
Ve vãn hoàng thân Xi-Ha-Núc của Cam-Bốt cũng như ông hoàng Phu-Ma của Lào bằng cách đẻ ra cái hội nghị "Ba nước Đông Dương" với tấm ảnh màu chụp cảnh Phạm văn Đồng, Nguyễn hữu Thọ (tượng trưng cho Nam Việt Nam), Xi-Ha-Núc, Xu-Va-Na Phu-Ma và Xu-Va-Na Phu-Vông trên trang bìa báo Ảnh Việt Nam, Line hỉ hả ngồi ở phủ toàn quyền Đông Dương ở Hà-nội tưởng như nắm chắc cái ngai "chủ tịch vĩ đại" của Liên Bang Đông Dương đỏ. Nào ngờ... Mà, nào ngờ thật, bởi Line đã mau chóng quên canh bạc ở ngay chính miền Nam Việt Nam ông đã tưởng như ăn chắc trong chuyến đi đêm với anh em nhà ông Ngô Đình Diệm, tổng thống nền đệ nhất cộng hòa của miền Nam Việt Nam. Chỉ có người dân đen ở Hà-nội là tỉnh táo khi mượn kiểu thơ Bút Tre để nói rằng:
"Hoan hô quốc trưởng Xi-Ha
Núc na. núc ních sang Ta sang Tàu
Sang Ta rồi lại sang Tàu
Núc na núc ních theo Tàu bỏ Ta."
và :
"Hai Nghĩa cũng như con nhện
Lấy vợ Tàu quyến quyện bỏ đi
Tò vò Hồ ngồi khóc tỷ ty
Pôn-Pốt ơi! Pôn-Pốt hỡi! Mày đi đằng nào?"
CANH BẠC VỚI HỌ NGÔ
Những trí thức ở Bắc Việt Nam (trước 1975) dám làm cái việc như cụ Tả Ao ngày xưa là mở một mắt nhìn vào sự thật đề phòng có mù thì mù một mắt, đã thấy từ lâu mối quan hệ của cái thế "môi sứt và răng hô" giữa Bắc Việt Nam và Trung Cộng. Chỉ có giới chức cầm quyền cộng sản Việt Nam, sau sự cố 1979 "hàm răng vẩu Trung Cộng cắn chảy máu cái môi sứt của Thị Nở Việt Cộng" thì Nguyễn duy Trinh, ủy viên bộ chính trị cộng đảng, phụ trách phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao mới chua chát nói đến bị anh hai Trung Cộng ức hiếp trong một phần tư thế kỷ của mối tình "vừa là đồng chí vừa là anh em". Cuốn sách của Nguyễn duy Trinh tố cáo Trung Cộng đã đạp "thắng gấp" hãm đà "thừa thắng xông lên" của quân đội tướng Giáp nhằm "giải phóng" hoàn toàn Việt Nam khỏi tay thực dân Pháp chuyển giao cho thực dân đỏ mà Line là người đại diện. Cho nên mới đẻ ra cái giải pháp chính trị trong hiệp định Genève năm 1954 về Việt Nam. Thế là thắng trận trên chiến trường nhưng lại thua trận trên bình diện chính trị. Bởi, năm 1945 - lúc 55 tuổi – Line được là chủ tịch của cả nước Việt Nam - từ địa đầu Hà-giang cho đến mũi Cà-mâu - thế mà sau 9 năm lừa dân tiêu thổ, trường kỳ kháng chiến, Line chỉ còn là chủ tịch của Việt Nam, cái phần "khúc đầu những xương cùng xẩu" và tý chút "khúc giữa những máu cùng me". Còn khúc đuôi miền Nam, chỗ ngon lành nhất thì đành phải nghiến răng "tha hồ mà đuổi".
Cùng thời điểm xuất phát từ 1954, khi Line mang theo bầu đoàn nhếch nhác từ Việt Bắc về Hà-nội thì anh em ông Ngô Đình Diệm về Sài-gòn. Qui định của hiệp định Genève 1954 là sau 2 năm sẽ tổng tuyển cử thống nhất ở cả nước Việt Nam... để người dân Việt Nam được tự do lựa chọn chế độ chính trị và người đại diện của mình. Nhưng, năm tháng cứ đi qua, cho đến tận cuối năm 1992 này, gần 40 năm sau cái ngày qui định trong hiệp định Genève 1954 về Việt Nam ấy, hai chữ tự do vẫn là cái gì đó xa vời vợi với người dân Việt Nam. Vì sao vậy? Bởi vì, từ khi được quyền quản lý tạm thời một nửa nước Việt Nam từ vĩ tuyến 17 ra phía Bắc, Line và tay chân thân tín đã "đào tận gốc, trốc tận rễ" tất cả mọi giai tầng của xã hội Bắc Việt Nam, để "trồng những con người mới xã hội chủ nghĩa" chỉ biết phá hoại mà không biết xây dựng; chỉ biết căm thù mà không biết yêu thương; chỉ biết giết mà không biết nuôi dưỡng; chỉ biết nhất cử nhất động là nhằm bảo vệ "Liên xô, thành trì cách mạng thế giới" chứ không phải là bảo vệ đất đai và dân tộc Việt Nam với trên bốn ngàn năm văn hiến. Cho nên cả miền Bắc Việt Nam trở thành một nhà tù lớn, một trại lính vĩ đại. Sợ hãi, đói khổ, phát triển thú tính là những nét đặc trưng của xã hội miền Bắc Việt Nam lúc ấy. Trong lúc đó, cái khoảng thời gian của 1955-1959 lại là giai đoạn thịnh trị của miền Nam Việt Nam dưới nền đệ nhất cộng hòa mà tổng thống là ông Ngô Đình Diệm. Vì thế, Line không muốn và cũng không thể thực hiện được điều khoản tổng tuyển cử tự do trong cả nước. Với sự mách nước của phó vương Lavritchev, đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Nga-xô ở Hà-nội; Line cho khai tử cái gọi là Mặt Trận Liên Việt, thay bằng Mặt Trận Tổ Quốc với một cương lĩnh mới mà nội dung là các điều khoản áp đặt cho miền Nam Việt Nam bị nhập vào với miền Bắc Việt Nam, dưới quyền cai trị của Line, nghĩa là đưa đến cái thế không thể có tổng tuyển cử.
CHỈ MỘT BƯỚC TỪ CÁI VĨ ĐẠI ĐẾN CÁI LỐ BỊCH
Câu nói trên của Napoléon vào lúc tụt dốc cũng đúng với ông Ngô Đình Diệm. Cho đến năm 1959, quả rằng ông Ngô Đình Diệm đã thổi vào miền Nam Việt Nam một luồng sinh khí mới mà ngay kẻ thù của ông cũng không thể phủ nhận được. Miền Nam Việt Nam thay da đổi thịt. Các nguồn lợi kinh tế đã có phần của người Việt Nam, không còn là sự độc quyền của chú Hỏa với đồng bào của chú ta nữa. Nạn cát cứ giáo phái được dẹp yên. Đời sống của người dân miền Nam Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của ông Ngô Đình Diệm đi theo chiều tích cực trên mọi bình diện, hoàn toàn ngược với xã hội miền Bắc Việt Nam do Line thao túng. Tiếc rằng cái thời vàng son của miền Nam không được bao lâu đã chết yểu vì cơ chế độc tài, đảng trị, gia đình trị của ông Ngô Đình Diệm càng về sau càng phát triển mạnh trên cơ sở của sự thỏa mãn và tính tự cao về thành tích sơ khởi đạt được.
Trong khi đó, với cái dã tâm làm "chủ tịch vĩ đại" của cả Liên Bang Đông Dương, Line cho tập kết lực lượng thân cộng từ miền Nam ra miền Bắc như hiệp định Genève 1954 về Việt Nam qui định, nhưng vẫn để lại một lực lượng mạnh cả quân đội lẫn tổ chức đảng. Số lính chính qui và địa phương quân cùng du kích có tổng số hơn bốn trăm ngàn người. Giới lãnh đạo của xứ ủy miền Nam chỉ có Lê Duẩn và Phạm Hùng ra Bắc, còn lại nguyên bộ xậu ban lãnh đạo của cộng đảng gồm các ủy viên trung ương chính thức như Nguyễn văn Linh (Mười Cúc), Nguyễn văn Xô (Hai Xô), Phan văn Đáng (Hai Văn), cùng với Nguyễn đức Thuận (sau bị chính quyền của ông Diệm bắt được), Võ chí Công, Cao đăng Chiếm, La văn Liếm, Trần nam Trung, Trần bạch Đằng đều rút vào bí mật. Và, ngay từ đầu những năm 1957 trở đi Line đã cho lệnh tìm đường vào Nam, đó là đường mòn Hồ chí Minh sau này. Toán quân đội được lệnh thâm nhập miền Nam đầu tiên do thiếu tướng Bùi xuân Đăng chỉ huy. Con đường mòn Hồ chí Minh được hoàn tất vào năm 1959 và Đồng sỹ Nguyên (tức Nguyễn văn Đổng) được cử trông coi việc "hiện đại" hóa con đường trục để xâm lăng miền Nam đó. Cơ cấu quân đội dưới trướng Đồng sỹ Nguyên lên tới gần 3 sư đoàn và được đặt tên là "Công trường 59" (tức quân đoàn).
Cái sáng suốt và nhiệt tình của nhà ái quốc Ngô Đình Diệm theo thời gian mà bốc hơi, chỉ còn lại cái hình hài của quan "Tuần vũ Phan Thiết", vừa cố chấp của người "quá mộ đạo", vừa hợm hĩnh về giòng họ và thành tích, chỉ tin vào quan hệ máu thịt và địa phương cũng như cùng tôn giáo. Cái sai lầm nữa là ông Ngô Đình Diệm dựng ra đảng Cần-Lao Nhân-Vị có cái gì đó hao hao giống cơ chế tổ chức và xử dụng như của đảng cộng sản. Tổng Thống họ Ngô đã không lợi dụng thành tích đạt được để mở rộng dân chủ, thu hút nhân tài của đất nước v.v... mà lại khép lại như mô hình cộng sản nhưng lại không đủ qủy quyệt tàn nhẫn như cộng sản. Đáng ra phải đặt cho mình làm cái nhiệm vụ lãnh tụ của cả nước Việt Nam (như Line) thì ông Diệm đã lược bớt đi chỉ giành lại cho mình những cái rất "khiêm tốn" là lãnh tụ của giáo dân, là một thứ "tù trưởng" của "bộ lạc Ngô, Trần". Chính sách đối ngoại của ông Diệm có nhiều sai lầm khi làm mất tình hòa hiếu với ông hoàng Xi-Ha-Núc, khiến Hà-nội lợi dụng để dùng mảnh đất Mỏ Vẹt của Cam-Bốt cũng như cảng Kôm-Pông-Xôm của Cam-Bốt để xâm lăng miền Nam. Cũng thế, ông không công nhận Hội nghị Băng-Đung, khiến bị cô lập đối với các nước không liên kết, mà lúc đó những tiếng nói của Nerhu và Nasser là khá quan trọng. Xung quanh ông Diệm có rất nhiều người giỏi, nhưng ông không dùng, thí dụ như ông Nguyễn Văn Thoại, người đã ký vào quyết nghị của hội nghị Băng-Đung, một hành động rất khôn ngoan và sáng suốt. Qua việc này, ông Line đã hiểu hết chỗ "yếu kém" của đối thủ và quyết định đánh canh bạc với họ Ngô. Một tổ công tác đặc biệt được thành lập ngay tại Hà-nội để làm công việc đó mà không cần qua bộ phận của Nguyễn văn Linh ở phía Nam.
LỰA NGƯỜI
Sau khi dự hội nghị Băng-Đung về, Line mừng vì chết hụt. Chiếc máy bay của Trung Cộng bị nổ tung, vài nhân viên ngoại giao Việt Cộng chết theo, trong đó không có... Line. Nhưng, điều ông mừng hơn là nghe tin ông Ngô Đình Diệm không chấp nhận quyết nghị của hội nghị Băng-Đung mà đại diện của ông là ông Nguyễn văn Thoại đã ký. Hơn thế, ông Diệm còn cải tổ chính phủ và... gạt ông Nguyễn văn Thoại ra. Ngồi ở phủ toàn quyền ở Ba-Đình, khi nghe Việt Phương, vụ trưởng vụ tổng hợp Phủ thủ tướng, cũng là thư ký riêng của Phạm văn Đồng, trình tin này, Line vỗ đùi đen đét và ngửa mặt lên trời cười ba tiếng, hệt như Lưu Bang nghe tin Hạng Võ đuổi Phạm Tăng không dùng nữa.
Hồ sơ về gia đình ông Ngô Đình Diệm dày cộm trên bàn làm việc của ông. Biết tỷ mỷ từ việc ông Diệm "nghiện" món chim bồ câu nhồi yến, đến ông Ngô Đình Nhu mỗi ngày "bắn khỉ" bao nhiêu phát (tức hút thuốc phiện) và bà Nhu (tức Trần Lệ Xuân) chọn đất ở đường Trần quốc Toản (nay là ủy ban quận 10, Sài-gòn) xây "cung" cho Ngô Đình Trác, có ý định quay lại chế độ quân chủ (chắc là bắt chước tướng Franco của Tây ban Nha). Line cũng để ý đến việc viên sỹ quan CIA Conéin, đã từng ở quân đội Pháp, có mặt tại Sài-gòn. Sự bất mãn của Phật Giáo được ông để ý đến từ lâu. Song song với việc đào tạo bộ đội đặc công (ở Sơn Tây), công an đặc biệt (ở Hà-Đông), cán bộ người thiểu số (ở Hòa-Bình), các sư, tiểu, ni cô (ở chùa Quán Sứ, Hà-Nội) và lấy cán bộ tập kết ở Nam ra cho học tập và quay lại Nam (địa điểm học tập ở Bắc-Thái), ông Line còn lo đào tạo "thế hệ tương lai" cho Liên Bang Đông Dương đỏ: đó là các thiếu niên, nhi đồng của miền Nam, của khu Năm, của núi rừng Tây Nguyên, của Lào, của Miên. Trường này đặt ở huyện Lương sơn (Hòa Bình). Bên cạnh ủy ban Thống Nhất do trung tướng Nguyễn văn Vịnh, ủy viên trung ương cộng đảng, làm chủ nhiệm, phía ban tổ chức trung ương còn có Lê phước Thọ đặc trách số cán bộ tập kết quay lại Nam (nay ông ta là ủy viên bộ chính trị, phụ trách tổ chức). Đấy là công việc hàng ngày của đảng và chính phủ ở Hà-nội. Giờ đây đã khác tý chút, đó là việc ông Ngô Đình Diệm từ chỗ được tổng thống Eisenhower ra tận phi trường quân sự Andrews đón tiếp (1957) đến chỗ đôi bên đã có dấu hiệu ngúng nguẩy với nhau và quân đội do đại tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu làm đảo chánh ngày 11-11-1960. Tuy không thành công, nhưng rõ ràng đó là điểm báo hiệu chỗ dựa quân sự và chỗ dựa đồng minh đã "lung lay". Nay chỉ cần làm cho những chỗ dựa đó đổ hẳn là xong. Điểm lại nhân sự, ông Line thấy việc này phải giao cho Phạm Hùng, người có đủ tư cách tiếp xúc trực tiếp với anh em ông Ngô Đình Diệm, có hiểu biết sâu sắc về miền Nam, vì Phạm Hùng đã từng phụ trách công an của miền Nam, là ủy viên bộ chính trị kiêm phó thủ tướng thứ nhất của chính phủ (với 9 ông phó thủ tướng!). Nhưng còn người thứ hai là ai, người giúp việc trực tiếp cho Phạm Hùng mà cũng là người làm cái việc móc nối trong chuyến "đi đêm" này. Tất nhiên phải là người có khả năng đã đành mà còn phải tín cẩn được đến mức giả dụ là bị anh em ông Diệm, Nhu trở mặt bắt thì... sẵn sàng chết mà không phản bội hoặc đi hai hàng. Điểm lại tất cả các bộ mặt lãnh đạo ngành công an và Line cầm bút nắn nót viết ba tiếng: Nguyễn công Tài.
SAO LẠI CHỌN NGUYỄN CÔNG TÀI
Line biết rằng anh em ông Diệm, Nhu tuy làm cuộc phế truất Bảo Đại, nghĩa là "phản thực" rồi lại "phản phong", nhưng từ máu thịt của gia đình họ Ngô là quan lại, cho nên anh em ông ta rất khinh người. Vì thế, cái kẻ làm việc xúc tiếp đầu tiên - tất nhiên phải cộng sản đỏ quạch - nhưng phải có trình độ (nghĩa là nói tiếng Pháp trôi chảy) lại phải có cái gốc gác gia đình đáng vì nể trong xã hội phong kiến cũ ở Việt Nam. Chính Nguyễn công Tài là người hội đủ bấy nhiêu yếu tố.
Nguyễn công Tài đã học đến bậc tú tài thời Pháp, là con trưởng của nhà văn Nguyễn công Hoan, là cháu ruột của Lê văn Lương, thường trực ban bí thư trung ương đảng cộng, phó ban thường trực ban tổ chức trung ương, giòng dõi quan lại gốc Nam Định. Đã thế, Nguyễn công Tài còn là con rể của bác sỹ Nguyễn viêm Hải, có quốc tịch Pháp. Vợ Nguyễn công Tài là bà Nguyễn thị Nghĩa, cựu sinh trường nữ học Đồng Khánh lúc ấy đang là hiệu trưởng trường Mầm Non (trường dành cho con nhỏ của các quan lại đỏ của trung ương và Hà-nội, chiếm trọn hai tòa vi-la đồ sộ ở phố Hàng Bông Nhuộm). Hai em gái bà Nghĩa đều đỗ tú tài Pháp, là học sinh của trường Albert Sarraut, lúc ấy một ra bác sỹ y khoa, còn một là kỹ sư mỏ. Nguyễn công Tài đang đeo lon đại tá an ninh bên bộ công an, giữ chức thứ trưởng bộ công an kiêm ủy viên đảng đoàn cộng sản của bộ công an. Cả chức vụ, nghề nghiệp cho đến lý lịch bản thân và lý lịch bên vợ của Nguyễn công Tài đều là mẫu lý tưởng cho cuộc tiếp xúc với anh em ông Ngô Đình Diệm.
Và, sau đó người nào có óc quan sát không còn thấy hàng ngày ít ra là một lần, trên đường Hàng Bông Nhuộm quẹo ra phố Dã Tượng (Hà-nội) không còn bóng dáng của một người đàn ông tầm thước, ăn mặc xuề xòa, đeo cặp kính dầy cộm hoặc đi bộ, hoặc đi xe đạp qua nữa. Người đó là Nguyễn công Tài. Trên phố Bông Nhuộm có nhà riêng của nhà văn Nguyễn Công Hoan, tác giả truyện "Cô giáo Minh" mà cũng là tác giả tiểu thuyết bị Hà-nội cấm: "Đống rác cũ", và ở đó cũng là nơi làm việc của vợ Nguyễn công Tài.
NGUYỄN CÔNG TÀI RA TAY
Có chú ruột là phó ban tổ chức trung ương phụ trách thường trực ban bí thư trung ương đỡ đầu, lại được đích thân ông Line lựa chọn, lại làm việc dưới quyền trực tiếp của Phạm Hùng, nhân vật số 4 trong bộ chính trị, nên Nguyễn công Tài hiểu rằng đây là thời cơ "ngàn năm một thuở" để thăng quan nhảy vọt nếu hoàn thành nhiệm vụ đi đêm này. Nguyễn công Tài đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu hàng núi hồ sơ về gia đình nhà ông Ngô Đình Diệm và những người kế cận, cũng như những người đối lập. Tài liệu cập nhật từ nhiều nguồn, nhưng phần đóng góp của nội gián Phạm ngọc Thảo là rất quan trọng. Làm sao phải chọn người tiếp xúc thật đúng mà lại bảo toàn bí mật. Cuối cùng, sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, Nguyễn công Tài đã lựa nhân vật Mã Tuyên, người Tàu ở Chợ-lớn đang làm công việc kinh tài cho gia đình ông Ngô Đình Diệm.
Thông qua dịch vụ buôn bán táo bạo, Nguyễn công Tài đã tiếp xúc trực tiếp được với Mã Tuyên. Và, cái thời điểm để đưa ý kiến cho Mã Tuyên "gợi ý" với anh em ông Ngô Đình Diệm là sau tháng 2-1962, sau cái ngày mà hai trung uý của quân đội ông Diệm là Phạm Phú Quốc và Nguyễn văn Cử ném bom dinh Độc Lập làm đảo chính. Sự việc của hai trung uý Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử tuy không thành công nhưng nó lại là lý do hợp thời để Nguyễn Công Tài làm cuộc tiếp xúc với anh em ông Diệm, Nhu thông qua thương gia người Tàu ở Chợ-lớn là Mã Tuyên. Tín hiệu có thuận lợi. Quả nhiên ông Nhu nhận sự tiếp xúc một cách thận trọng và kéo dài thời gian để mặc cả cho cái giá đi đêm. Nguyễn công Tài có nhận xét là anh em ông Diệm, Nhu tuy học ở Pháp và Mỹ về nhưng óc bài ngoại cực đoan như "Tự Đức" và cũng có mộng Việt Nam sẽ gồm cả Miên và Lào và phải là cường quốc ở châu Á.
Sự việc tin đi mối lại chỉ dừng ở đó. Phải cho đến lúc được phép của ông Line, Nguyễn công Tài cung cấp cho ông Nhu một số tài liệu chứng minh người Mỹ muốn lưu lại ông Diệm còn vợ chồng ông Nhu phải đi lưu vong nước ngoài, cũng như họ trước sau cũng buộc ông Diệm phải từ bỏ chế độ độc tài, gia đình trị, phải chia quyền lãnh đạo cho các đảng phái cũng như phải có chính sách bình đẳng tôn giáo. Ông Nhu chấp nhận một cuộc gặp gỡ với phái viên đặc biệt của ông Line. Có thể đây chỉ là giải pháp phòng ngừa mà cũng có thể ông Nhu muốn hiểu rõ hơn ý đồ của địch. Những điều này còn là bí ẩn đi theo ông Nhu xuống tuyền đài.
Phạm Hùng nhận những chỉ thị toàn quyền hành động từ ông Line tại phủ toàn quyền Đông Dương ở Ba-Đình (Hà-nội) và cấp tốc đi Nam bằng cả ba thứ phương tiện: thủy, bộ và hàng không.
Đầu tháng 2-1963, cuộc họp "bí mật" giữa ông Ngô Đình Nhu và Phạm Hùng diễn ra tại một địa điểm kín đáo ở quận Tánh Linh, tỉnh Bình Tuy. Trong cuộc họp này có cả Nguyễn công Tài cũng được dự. Khi chia tay, cả hai bên đều hỷ hả. Nội dung cuộc họp vẫn còn nằm trong bí mật cho đến nay. Anh em ông Diệm, Nhu đều đã chết. Line thì nằm nhắm mắt chình ình trong cái lăng ở Hà-nội; Phạm Hùng sau này giữ chức chủ tịch hội đồng bộ trưởng của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, trong một cuộc họp về tài chính hết sức căng thẳng ở Sài-gòn, khi về nhà khách của chính phủ nghỉ trưa đã... chết. Chỉ sau này, qua mặt báo Sài-gòn Giải-phóng cộng với chuyện thâm cung lộ ra, người ta biết rằng buổi trưa hôm đó, Phạm Hùng đã cho gọi một nữ ca sỹ cải lương tên tuổi đến nghe hát... giải khuây. Chẳng biết có làm gì nữa không mà đột ngột... cưỡi ngựa (không phải rồng) xuống địa ngục. Dân Việt Nam quốc nội lại thắc mắc qua thơ kiểu Bút Tre, rằng:
"Nghe tin đồng chí Phạm Hùng
Chết ngã lăn đùng, chưa rõ nguyên nhân."
Người duy nhất còn lại là Nguyễn công Tài, sau này "tình cờ" làm cái việc xét căn cước, cảnh sát của miền Nam đã bắt được Nguyễn công Tài. Người Mỹ đã cho giam Nguyễn Công Tài ở Bạch Đằng (Sài-gòn), cho hưởng mọi tiện nghi vật chất rất cao và cũng được ngồi xe hơi (tất nhiên có bảo vệ) đi "tham quan" phố xá Sài-gòn. Đến 1975, trước khi đứt phim miền Nam, Mỹ đã thả Nguyễn công Tài ra.
ĐỊNH MỆNH
Trước khi bước vào cuộc gặp mặt lần thứ hai giữa ông Ngô Đình Nhu và Phạm Hùng thì xảy ra sự biến của Phật Giáo. Trong lễ Phật Đản năm 1963 ở chùa Từ Đàm, thượng tọa Thích Trí Quang phê bình chính quyền ông Diệm kỳ thị Phật Giáo cho nên đài phát thanh Huế không phát thanh về ngày lễ Phật Đản như thường lệ. Phật tử vây đài phát thanh đòi giải thích. Cảnh sát Thừa Thiên đến bao vây, có mặt cả thiếu tá Đặng Sỹ, chỉ huy trưởng tiểu khu Thừa Thiên và trưởng ty cảnh sát Thừa Thiên. Trong lúc hỗn loạn, đặc công của cộng sản liệng lựu đạn làm chết 9 người và bị thương 13 người. Thế là cuộc tranh đấu của Phật Giáo bùng nổ. Có thể đây là đòn của cộng sản muốn thúc ép ông Ngô Đình Nhu tái họp lần thứ hai với Phạm Hùng sớm hơn và đưa yêu sách "khiêm tốn hơn".
Đầu tháng 11-1963, các tướng trong quân đội của ông Diệm làm đảo chánh thành công. Anh em ông Diệm, Nhu theo đường hầm trốn vào Chợ-lớn ở nhà Mã Tuyên. Phải chăng hai anh em ông Diệm, Nhu định chờ người của Phạm Hùng và Nguyễn công Tài đến đón ra bưng biền?
Suốt những ngày vào Nam, nhất là sau khi Nguyễn công Tài bị tù, gia đình của Nguyễn Công Tài có chút thay đổi. Bà hiệu trưởng trường Mầm Non, Nguyễn thị Nghĩa - vợ của Nguyễn công Tài - đã ngả vào lòng của đại tá Hồng Hà, chánh văn phòng kiêm vụ trưởng vụ tổng hợp của bộ công an. Có lẽ ghen hộ con trai nên nhà văn Nguyễn công Hoan là người đi đầu trong việc "trấn áp" Nhân Văn-Giai Phẩm, cho đến tận tác phẩm "Hỗn canh hỗn cư" còn ca ngợi cách mạng hết lời thì đột ngột thay đổi trong tiểu thuyết "Đống rác cũ", vạch mặt những "cán bộ" cách mạng chỉ là lũ lừa đảo, lưu manh. Vì là của Nguyễn công Hoan nên nhà xuất bản Văn Học phải in. Khi phát hành được khá lâu, Tố Hữu mới để mắt tới và phát hiện "có vấn đề" và tập I của "Đống rác cũ" bị thu hồi, tập 2 bị đình chỉ phát hành.
Giữa năm 1975, Nguyễn công Tài về nhà ngồi "chơi xơi nước", bị tình nghi là có vấn đề trong thời gian bị giam ở Bạch Đằng (Sài-gòn). Phải cho đến lúc Phạm Hùng lên nắm chức chủ tịch hội đồng bộ trưởng, Nguyễn Công Tài mới được đeo lon thiếu tướng công an, đổi tên thành Nguyễn Tài và giữ chức tổng cục trưởng tổng cục hải quan. Vợ là Nguyễn thị Nghĩa cũng vào ngành công an, đeo lon trung tá, phụ trách trưởng phòng quản lý thiếu nhi phạm pháp thuộc Cục quản lý trại giam. Còn "kẻ địch" của Nguyễn công Tài, đại tá Hồng Hà cũng lên lon thiếu tướng, giữ chức giám đốc Sở công an Tây Nguyên. Nguyễn công Tài chắc cũng tự an ủi qua bất hạnh của người khác vì cấp dưới xưa kia của ông ta là thiếu tướng Quang Phòng, cục phó cục phản gián, cũng bắt được quả tang vợ đang... ấy... với trung tá Vũ Quân, đệ tử ruột của Quang Phòng, anh chàng này là con rể của nguyên chủ nhân nhà hàng Bodéga ở phố Tràng Tiền (Hà-nội), người đã được báo chí Hà-nội ca ngợi về thành tích "vồ gái điếm" vào ngủ với nhân viên các sứ quán phương Tây ở Hà-nội.
Tháng 10-1992
No comments:
Post a Comment